Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

Thuyết Tiến hóa rộng (đặt vấn đề)


Chúng ta hãy tóm tắt lại nội dung thuyết Tiến hóa của Darwin. Ông quan sát thế giới sinh vật và nhận thấy rằng một số loài, khi một cộng đồng nhỏ sống biệt lập trong một không gian địa lý bị giới hạn, thì cộng đồng đó sẽ dần dần mang những đặc tính thích nghi với không gian địa lý mà chúng sống. Trải qua nhiều thế hệ, sự thay đổi chậm chạp đó có được qua sự thích nghi sống còn của các cá thể với môi trường sống. Nói cách khác, các cá thể có những biến dị phù hợp với điều kiện môi trường sẽ sống sót tốt hơn và có nhiều hậu duệ hơn, còn các cá thể không mang những đặc điểm phù hợp đó sẽ dễ bị tiêu diệt hơn và có ít hậu duệ hơn, sau một thời gian đủ dài cộng đồng loài biệt lập đó sẽ hầu như chỉ bao gồm các cá thể thích nghi với môi trường sống mới. Darwin gọi quá trình như vậy là quá trình tiến hóa theo phương thức “chọn lọc tự nhiên”. Nhờ có chọn lọc tự nhiên mà trật tự tự nhiên luôn thay đổi không ngừng nhưng lại được sắp xếp đâu vào đấy, và thế giới sinh vật ngày càng trở nên đa dạng hơn.
Thực tế sau khi ông mất, chúng ta đã kiểm chứng được việc luôn luôn có những loài mới được tạo ra và những loài cũ bị tuyệt chủng. Trong chuyên ngành siêu vi khuẩn, chúng ta đã biết đến việc vi rút H5N1 làm cả thế giới lo lắng về khả năng biến đổi từ môi trường sống trên gà, sang môi trường sống trên người, tức là khả năng lây bệnh cúm gà từ người sang người, và cũng đã biết đến căn bệnh AIDS mà trước đó chưa hề tồn tại có khả năng làm mất khả năng miễn dịch của con người, do siêu vi khuẩn HIV gây ra (mà người ta cho rằng môi trường sống HIV trước đây là loài khỉ). Các phát hiện trong ngành di truyền học cũng chứng minh mối liên hệ bà con giữa loài người và loài khỉ cũng như các loài động vật khác, đúng như Darwin đã từng dự đoán và bị bên nhà thờ phản bác mạnh mẽ. Cho đến hôm nay, tác phẩm “Nguồn gốc các loài” của ông đã trở thành nền tảng cho thuyết Tiến hóa được chấp nhận rộng rãi: các sinh vật cấp cao hơn đều có nguồn gốc từ các sinh vật cấp thấp hơn, thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên để có được sự tiến hóa, trong đó biến dị và di truyền phối hợp với nhau để tạo ra sự thích nghi với môi trường sống ngày càng tốt hơn cho sinh vật.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét những luận điểm còn chưa được làm rõ của thuyết Tiến hóa, để đưa ra các phản biện khoa học, xem xét khả năng mở rộng thuyết này, và định hướng cho những nghiên cứu của chúng ta. Bằng sức mạnh của cộng đồng mạng, chúng ta sẽ xem xét học thuyết này dưới bất kỳ góc độ nào. Chúng ta có thể dùng triết học, vật lý học, sinh học, y học, kinh tế học, chính trị học, tâm lý học,… để làm cơ sở phân tích. Chúng ta cũng có thể lấy dẫn chứng từ văn học, nghệ thuật, thể thao, tôn giáo, các tập tục văn hóa, các hiện tượng xã hội,… để củng cố hoặc phản bác học thuyết. Đừng dửng dưng, đừng e ngại, hãy nói ra quan điểm của mình, chỉ cần chúng ta có tinh thần khoa học, tôn trọng cái đúng, ủng hộ trí tuệ tập thể, mong muốn liên kết cộng đồng tạo ra sức mạnh. Để mở đầu, người khởi xướng cuộc nghiên cứu này sẽ nêu lên 4 vấn đề cần phải xem xét sau đây.
Trong tác phẩm của mình, Darwin cho rằng bản năng bên trong của các loài cũng có sự tiến hóa giống như cấu tạo bên ngoài của chúng. Trong khi đó, các nhà sinh học hiện tại đều tập trung nghiên cứu sự tiến hóa của các loài sinh vật theo cấu tạo cơ thể của chúng, mà không chú trọng lắm vào các bản năng tập tính. Họ cho rằng, sau khi có những biến dị về cơ thể phù hợp với điều kiện môi trường, các bản năng mới cũng theo đó mà hình thành. Quan điểm đó có thể giải thích được tại sao một con cọp không thể ăn rau cỏ như một con bò, nhưng không thể giải thích được tại sao những con hải ly có thể xây đập giỏi, những con gà trống có thể gáy chính xác vào những thời gian xác định trong ngày, những con cá hồi phải bơi ngược dòng về nơi đầu nguồn để thực hiện việc sinh sản, những con bồ câu có thể bay về với tổ của nó bất chấp được mang đi đâu, những con chim di trú có thể bay về phương Nam theo lộ trình không đổi để tránh mùa đông phương Bắc. Cơ chế nào đã hình thành nên những tập tính của mỗi loài động vật? Làm sao để những tập tính đó có thể được di truyền qua nhiều thế hệ? Nên hiểu như thế nào về những năng lực có sẵn, bản năng? Bản năng được lưu giữ như thế nào trong các loài sinh vật? Có sự di truyền bản năng không? Làm sao để di truyền được bản năng? Bản năng có tác động đến việc hình thành cấu trúc thể chất hay không? Bản năng có chịu tác động của môi trường sống không? Bản năng có xảy ra quá trình chọn lọc tự nhiên không? Bản năng có tiến hóa không?
Một trong những điểm mà thuyết Tiến hóa thường bị tấn công là sự nghi ngờ quá trình chuyển hóa từ không thành có của sự sống. Những nghi ngờ này không phải là không có lý, khi mà Không sự sống và Có sự sống là hai trạng thái rất khác nhau của tự nhiên: sự sống là một thứ có trật tự, có trình tự, có bắt đầu, có kết thúc, có chương trình, có tấn công, có tự vệ, có đồng hóa, có dị hóa,… trong khi đó Không sự sống chỉ là một trạng thái hỗn độn không đầu không cuối. Như vậy, liệu có tồn tại một quy luật bao quát hơn, chứa đựng sự hợp lý của quá trình các vật liệu của sự sống tiến hóa thành sự sống đầu tiên?
Về khả năng hình thành nên giống loài mới, quá trình biến dị có thể tạo ra nhiều kiểu hình khác nhau mà vẫn đều thích nghi tốt với điều kiện môi trường. Vậy thì yếu tố nào đã làm cho cả cộng đồng loài đồng nhất với nhau trong một kiểu hình thích nghi chung? Có chăng xu hướng đưa ra lời giải tối ưu khi tự nhiên giải bài toán thích nghi của các loài? Cơ chế để một lời giải tối ưu như vậy (nếu có) vận hành là như thế nào?
Chọn lọc tự nhiên là một quá trình cho phép các loài sinh vật biến đổi để thích nghi hơn với môi trường, chứ không phải biến đổi để trở thành một dạng thức phát triển hơn, tiến bộ hơn. Vậy thì đâu là động lực để các loài tiến hóa ngày càng tinh xảo hơn, phức tạp hơn?

4 nhận xét:

Mai Quang Huy nói...

(từ Nhi)
@Virus HIV chứ không phải vi khuẩn.
@Bạn viết dễ hiểu,và đưa ra nhiều vấn đề cần bàn luận và nghĩ suy.Nhưng muốn lập luận và bày tỏ quan điểm chắc phải đọc kỹ,nghiền ngẫm ..cuốn Nguồn Gốc Các Loài để hiểu rõ bản chất Thuyết Tiến Hóa của Darwin thì mói có thể đóng góp ý kiến cho Thuyết Tiến Hóa Rộng của bạn.
@Bạn có nói,những nhà Khoa Học có những phát minh khoa học mang tính tương đối trong từng thời điểm là chính xác.Do đó,khi Darwin hay bất kì nhà Khoa học nào nhận sự phản bác hay ủng hộ của đối tượng này hay đói tượng khác là điều không tránh khỏi,và xảy ra với bất kì ai chứ không phải riêng phía" bên nhà thờ".Thời điểm đó là vậy,nhưng đâu phải thời điểm nào cũng giống nhau và đều như thế.
TÚ Nhi!
(21/090/2008)

Mai Quang Huy nói...

Tú Nhi (#1),
Trước tiên, rất cám ơn BS đã dành thời gian đọc và để lại những suy nghĩ của mình. Cũng như mọi người Việt Nam khác, tôi luôn có sự kính trọng đặc biệt đối với thầy giáo và thầy thuốc, nên xin phép xưng hô bằng cách gọi BS Nhi.
BS Nhi ơi, trong bài viết này, tôi không có ý muốn dùng chữ “virus”, cũng không dùng “vi rút” hay “siêu vi trùng”, mà dùng “siêu vi khuẩn”. Bởi vì: tôi không muốn dùng chữ “virus” mượn nguyên gốc của nước ngoài; “vi rút” thì chưa được mọi người quen dùng, mà đối với người có học thức còn nghe có vẻ chuối chuối nữa; giữa “siêu vi trùng” và “siêu vi khuẩn” tôi thích “siêu vi khuẩn” hơn, vì từ đó tôi nghe quen từ hồi nhỏ trên các phương tiện truyền thông, nên cho rằng nhiều người cũng sẽ nghe quen nên dễ tiếp thu hơn. Gần đây, mọi người còn gọi một cách ngắn gọn loài sinh vật này là “siêu vi”, nhưng tôi lại sợ cách gọi này không đầy đủ.
Khi bắt đầu viết blog này, tôi có chủ trương là mình sẽ viết theo định hướng khoa học (hơi thiên về bên triết học một chút), chứ không theo định hướng kỹ thuật hay công nghệ. Do đó, trong giới hạn năng lực và thời gian của mình, tôi chỉ tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề mang tính cốt lõi và trong những lĩnh vực mà tôi có hiểu biết mà thôi. Đó cũng là lý do tôi đưa công việc này lên blog, để nhiều người, từ nhiều góc độ khác nhau, có thể tham gia và giúp nhau tránh được các sai lầm có thể mắc phải.
Tôi là Phật tử, nhưng cuộc đời lại rất có duyên với nhà thờ. Cấp 1 tôi học trường Kết Đoàn, hàng ngày đi ngang sân của nhà thờ Huyện Sỹ (nhà thờ Chợ Đũi) mới vào được sân trường. Tôi lại học bán trú, nên những giờ được tự do, tôi hay cùng với bạn bè chơi đùa thơ thẩn trong sân nhà thờ. Ở cấp 3, tôi học Bùi Thị Xuân, khi tôi bị mất căn bản môn Hóa năm 11, tôi lại vào sân nhà thờ Huyện Sỹ để tự ôn luyện lại toàn bộ kiến thức Hóa lớp 10. Rồi tôi lại cũng từng được xem 2 bộ phim xuất sắc của đạo diễn Michael Landon là “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” và “Đường tới thiên đàng”, nên tôi hiểu sức sống mạnh mẽ của cụm từ “In God we trust”. Sau này lớn lên, đọc sách, tôi lại được biết những đóng góp của nhà thờ cho nhân loại là vô cùng to lớn, và tôi biết chắc chắn rằng, bất kỳ một học thuyết mới nào có thể được xây dựng đều phải tham khảo đến những thành quả mà nhà thờ đã đạt được. Nhà thờ, cũng như các thể chế chính trị khác, có cách tiếp cận chân lý riêng và đạt được những thành tựu cũng rất đặc biệt. Nói tóm lại, tôi không phải là người chống nhà thờ, mà trái lại còn có một tình cảm đặc biệt dành cho ngôi nhà của Chúa nữa. Riêng đối với thuyết tiến hóa, tôi cho rằng, cách tiếp cận của nhà thờ có nhiều quan điểm khác, nên thường đóng vai trò phản biện hơn là củng cố cho học thuyết.
Trân trọng.
Mai Quang Huy
(23/09/2008)

Mai Quang Huy nói...

(từ Nhi)
Ồ!Hóa ra Quang Huy cùng họ với mình.Chắc là con cháu của Mai Hắc Đế đây,hihih
Nhi không có sách VI sinh ở đây,nên không giải thích tường tận về Vi Khẩn,virus và siêu vi khuẩn.Để vài hồi tìm sách sẽ cắt nghĩa cho bạn rỏ hơn. Nhi chỉ nhớ Vi khuẩn là bacteria,nó là VSV đơn bào,nhân của nó là ADN hoặc ARN,còn vi_rút là virus,nó xếp dưới hàng tế bào vì nó chỉ chứa vỏ và 1 nhân ARN.Cấu trúc của 2loại này là khác nhau.mà Nhi cũng không biết có phải người ta gọi Siêu vi khuẩn là để ám chỉ virus không nữa?huhuh.Kiến thức y khoa rơi rụng hết rồi.Để vài hồi Nhi nghiên cứu lại.
Chia se với H những cảm nghiệm khác nhau về tôn giáo.Nhi cũng có nhiều cơ duyên với Phật Giáo.Dù đạo nào thì con người nếu biết yêu thươmg và tha thứ cho nhau thì hay biết mấy.
Có lẽ H nói đúng.bên nhà thờ luôn đóng vai trò phản biện,để Nhi tìm hiểu thêm vụ này đã,hihih
@Đọc entry thấy vui vui nên bình loạn tùm lum cho vui,kết nối bạn bè thôi mà.thêm vô mấy cái chức vụ thấy rắc rối quá.Nhi không thích ai gọi mình là Bs cả..hehhheh
@Muốn đọc mấy entry tiếp theo phải bấm next dưới mỗi entry này à?cái blast nhi thấy khó hiểu quá.
TÚ Nhi
(07/10/2008)

Mai Quang Huy nói...

BS Nhi (#3),
Má tui dạy rồi, thầy giáo và thầy thuốc là người của cộng đồng, cho nên bất kính hay vô lễ với thầy giáo là đại nghịch vô đạo.
Còn cái blast, thì nó là như vầy. Trong khung "Hãy cùng nhau mở rộng...", ở góc dưới phải có chữ "click here". Nhắp trái chuột vào chữ này, mọi người sẽ xem được bài đầu tiên của Thuyết. Vào được bài đầu tiên của Thuyết rồi, trên cái địa chỉ đường dẫn (link address, URL), ở khúc cuối có đoạn "p=1". Nếu gõ lại cái đoạn này với các số tương ứng, mọi người sẽ xem được các bài tương ứng. Ví dụ: gõ "p=2", mọi người sẽ xem được bài hiện hành (nơi có 2 phản hồi của BS Nhi), nếu gõ "p=25", mọi người sẽ xem được bài sau cùng của Thuyết (đang được viết dở dang).
Trân trọng.
Mai Quang Huy
(07/10/2008)