Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Thuyết Tiến hóa rộng (tập tính gà gáy)

Với giả thiết được đưa ra trong bài trước về hoàn cảnh hình thành tiếng gáy của loài gà tiền sử, chúng ta hãy trả lời các câu hỏi đã được đặt ra khi xem xét tập tính gà gáy.
Ý nghĩa sinh tồn của tập tính gà gáy? Tôi cho rằng chính nhờ tiếng gáy mà loài gà đã sống sót và phát triển được trong nửa cuối thời kỳ khủng long chiếm ưu thế trên trái đất và nửa đầu thời kỳ con người chiếm ưu thế trên trái đất. Lúc trước, gà gáy để xua đuổi loài khủng long phàm ăn, thì bây giờ gà gáy để báo thức cho con người và trở thành người bạn thân, đối tác cộng sinh quan trọng của con người trong đời sống nông nghiệp.
Về chức năng quyến rủ con mái, hay xác định chủ quyền lãnh thổ, tập tính gà gáy cũng có chức năng đó, nhưng kém quan trọng hơn nhiều và không có ý nghĩa sống còn, bởi vì chức năng đó chỉ có ý nghĩa trong phạm vi các cá thể của cùng một loài, thậm chí cùng một giống gà, trong khi bài toán sinh tồn (tôi không dùng khái niệm “cuộc chiến sinh tồn”) lại có nhiều tham số hơn là các cá thể đồng loại.
Tại sao gà chỉ gáy chủ yếu từ nửa đêm về sáng? Sáng trời là lúc tất cả các loài túa ra đi kiếm ăn, nên ở thời tiền sử, việc giành thế chủ động với khủng long từ trước khi trời sáng là rất quan trọng. Trải qua nhiều thế hệ, gà tiền sử càng gáy sớm hơn thì khả năng sinh tồn càng mạnh mẽ hơn. Áp lực gáy sớm hơn đã khiến loài gà phát triển khả năng cảm nhận được sự thay đổi vị trí tương đối giữa trái đất và mặt trời, có thể do sự thay đổi điện từ tại vị trí nó đang đứng (khả năng cao hơn), hoặc do sự thay đổi của lực hấp dẫn. Từ sau thời điểm giữa trưa, ảnh hưởng của mặt trời (cả lực hấp dẫn và mức tích cực điện từ) giảm dần. Tại thời điểm nửa đêm, ảnh hưởng của mặt trời đảo chiều, bắt đầu quá trình tăng dần, gà trống nhà ta đã cảm nhận được thời điểm này, coi đó như là yếu tố kích thích để bắt đầu gáy. Tới thời điểm 4g sáng, ảnh hưởng của mặt trời tăng mạnh hơn (đông phương bạch sắc dĩ thành hồng, u ám tàn dư tảo nhất không), nên kích thích mạnh hơn và gà trống gáy khí thế nhất trong ngày. Tôi nghiêng về giả thiết gà trống cảm nhận được sự thay đổi điện từ như là yếu tố kích thích cho hành vi gáy, bởi vì nó giải thích được những lúc có bão điện từ do mặt trời phát ra làm cho gà gáy bất thường, trùng hợp với kinh nghiệm dân gian là mỗi khi gà gáy bất thường thế nào cũng có chửa hoang hoặc có chuyện gây sự đánh nhau (loài người cũng bị điện từ kích thích mà không nhận ra).
Tại sao lại chỉ có gà trống gáy? Tôi cho rằng vấn đề có liên quan đến sự tích cực điện từ. Cũng giống như sự hình thành thị giác và thính giác, tôi cho rằng sự phân chia giống đực giống cái và khả năng sinh sản hữu tính là sáng tạo vĩ đại của sinh giới, thúc đẩy sinh giới tiến hóa nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Và sự sáng tạo này đương nhiên không do ý chí của bất kỳ một cá thể hay đấng tạo hóa nào, mà chỉ có thể xảy ra khi mặt trời thay đổi cường độ hoạt động, làm tăng mạnh mức tích cực điện từ tại trái đất (tôi sẽ không cố tìm hiểu sự thay đổi cường độ hoạt động đó xảy ra vào lúc nào, làm xảy ra sự kiện hủy diệt lần thứ mấy). Khi mặt trời thay đổi cường độ hoạt động, bằng một tiến trình nào đó, các sinh vật còn sống sót (cả động vật và thực vật) bắt đầu hình thành các bộ phận giống đực (phản ứng tích cực với kích thích điện từ) và các bộ phận giống cái (phản ứng tiêu cực, hay là trơ, với kích thích điện từ) để bắt đầu sự sinh sản hữu tính. Ở các loài động vật, vốn có sự linh hoạt hơn, nên kích thích điện tử dẫn đến sự hình thành cá thể giống đực và cá thể giống cái. Cá thể giống đực do sử dụng được năng lượng điện từ do mặt trời tạo ra, nên mạnh mẽ hơn, nhanh nhẹn hơn, thích nghi tốt với sự thay đổi hơn, và do đó thường chủ trì những cuộc tiến hóa ở các loài. Còn các cá thể giống cái, do mềm yếu hơn, chậm chạp hơn, thích nghi dở hơn, do đó thường phụ trách việc góp nhặt các thành quả tiến hóa do con đực tạo ra để di truyền lại cho thế hệ sau. Gà trống, với vai trò giống đực của mình đã chủ trì cuộc tiến hóa âm thanh nơi loài gà, và do đó phụ trách luôn việc gáy sáng để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nguồn thức ăn cho đàn gà của mình.
Bằng cách nào gà trống mới lớn, chưa gáy lần nào, có thể cất tiếng gáy lần đầu tiên? Gà trống được di truyền một lá phổi khỏe, một cơ quan cảm nhận mức độ tích cực điện từ, một cổ họng đặc thù cho việc tạo âm, nhưng chừng đó chưa giải thích được tại sao gà phải cất tiếng gáy, bằng cách nào những con gà tiền bối cài đặt sẵn vào bản năng của thế hệ sau thông điệp “gáy hay là chết”?
Chúng ta sẽ có thể dễ giải thích hơn nếu biết được rằng một con gà trống được nuôi biệt lập chưa từng được nhìn thấy (hoặc nghe thấy) một con gà trống khác gáy thì có thể gáy được vào tuổi trưởng thành hay không.
Nếu không, điều đó có nghĩa là, cũng giống như tập tính nói chuyện của con người, tập tính gáy của gà không hoàn toàn là tập tính bẩm sinh, mà phần nào phải do học hỏi mới có được.
Nếu được, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu về cơ chế của sự di truyền bản năng. Đây là câu hỏi lớn, là một trong những đích đến của Thuyết tiến hóa rộng mà chúng ta đang nghiên cứu.

Không có nhận xét nào: