Vài năm trước, tôi nhận được thư của một người lính Mỹ ở Iraq. Lá thư viết rằng việc phục vụ trên chiến trường đã làm anh ta kiệt quệ cơ thể và suy nhược cảm xúc. Nhưng trong môi trường thù địch và cô đơn ấy, một quyển sách do tôi viết đã trở thành "phao cứu sinh" cho anh. Đó là một quyển sách viết về khoa học.
Lá thư viết rằng khoa học có thể đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, cụ thể là cuộc sống của chính anh. Đồng thời lá thư của người lính nhấn mạnh điều mà càng ngày tôi càng tin hơn: hệ thống giáo dục của Mỹ thất bại trong việc dạy khoa học thế nào để học sinh, sinh viên hợp nhất khoa học vào cuộc sống của họ.
Sức mạnh biến đổi
Khi chúng ta nghĩ đến sự có mặt khắp nơi của điện thoại cầm tay, máy iPod, máy tính cá nhân và Internet thì sẽ dễ dàng thấy rằng khoa học (và công nghệ của nó) đã được gắn kết thế nào vào cơ cấu hoạt động hằng ngày của chúng ta. Khi chúng ta đánh giá tình trạng của thế giới và nhận ra những thử thách nghiêm trọng ló dạng, như sự thay đổi khí hậu, các loại dịch bệnh toàn cầu, sự đe dọa an ninh và các nguồn tài nguyên cạn dần, chúng ta sẽ không ngần ngại quay về khoa học để đo lường các mức độ của vấn đề và tìm giải pháp. Và khi chúng ta nhìn vào sự phong phú của các cơ hội đang ló dạng ở chân trời - tế bào gốc, chuỗi hóa di truyền, nghiên cứu tuổi thọ cao, khoa học nano, máy tính lượng tử, công nghệ không gian, chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc vun xới một cộng đồng rộng rãi có thể dấn thân vào những vấn đề khoa học...
Đơn giản không có con đường nào khác, là một xã hội, chúng ta cần được chuẩn bị để đưa ra những quyết định có hiểu biết cho một loạt vấn đề sẽ định dạng tương lai. Đó là những lý do chuẩn - và cực kỳ quan trọng - mà nhiều người sẽ đưa ra để giải thích tại sao khoa học là quan trọng.
Nhưng tôi cũng hiểu bạn không cần phải là một nhà khoa học mới nhận biết được khoa học có sức mạnh làm biến đổi. Tôi đã chứng kiến những đôi mắt của trẻ em sáng lên khi tôi kể cho chúng nghe về lỗ đen và Big Bang. Và trong lá thư từ Iraq, người lính kể tôi nghe việc học về thuyết tương đối và vật lý lượng tử trong những khu vực ngoại ô nguy hiểm và bụi bặm của thành phố Baghdad đã giúp anh ta tiếp tục vững bước như thế nào, bởi vì nó bộc lộ một thực tại sâu xa hơn rằng tất cả chúng ta đều là một phần của nó.
"Tuyệt thật, khoa học đấy à?"
"Tôi đã nói chuyện từ nhiều năm với rất nhiều người mà sự chạm trán của họ với khoa học trong nhà trường đã khiến họ cho rằng nó là lạnh lùng, xa lạ và đáng sợ. Họ sung sướng sử dụng những thành tựu mới mà khoa học mang lại, nhưng cảm thấy rằng khoa học tự nó không liên quan đến cuộc sống của họ. Thật đáng tiếc.
Giống như một cuộc sống mà không có âm nhạc, nghệ thuật hay văn chương, một cuộc sống không có khoa học là bị tước mất đi một cái gì có thể mang lại cho sự trải nghiệm của chúng ta một thế giới phong phú mà ngoài khoa học ra không thể nào đạt tới được".
Như các bậc cha mẹ đều biết, trẻ em bắt đầu sự sống như là những nhà thám hiểm không kiềm chế, không thẹn thùng trước cái chưa biết. Từ lúc biết đi và biết nói, chúng ta muốn biết các sự vật là gì và chúng hoạt động ra sao - chúng ta bắt đầu cuộc sống như những nhà khoa học nhỏ. Nhưng phần lớn chúng ta nhanh chóng đánh mất niềm đam mê khoa học bẩm sinh của mình. Đó là một sự mất mát to lớn.
Phần lớn các nghiên cứu tập trung vào vấn đề này, nhận diện các cơ hội quan trọng để cải tiến việc giáo dục khoa học. Những đề nghị cải tiến bao gồm từ việc nâng cao trình độ huấn luyện cho các giáo viên môn khoa học đến các cải cách chương trình giảng dạy. Nhưng phần lớn các nghiên cứu này lại tránh né một vấn đề bao trùm có ảnh hưởng vĩ mô: trong việc dạy sinh viên, chúng ta tiếp tục thất bại, không tạo được những cơ hội phong phú để bộc lộ những triển vọng làm nức lòng được khoa học mở ra, mà thay vào đó chỉ biết tập trung vào nhu cầu đạt được năng lực bằng các chi tiết kỹ thuật căn bản của khoa học.
Thực tế, nhiều sinh viên tôi đã nói chuyện rất ít quan tâm đến những câu hỏi lớn mà các phần chi tiết kỹ thuật kia cùng tập trung nỗ lực trả lời: Vũ trụ đến từ đâu? Sự sống phát sinh từ đâu? Làm thế nào mà bộ óc làm nảy sinh được ý thức? Giống như một chương trình giảng dạy âm nhạc đòi hỏi sinh viên thực tập các gam trong khi lại hiếm khi hay chẳng bao giờ tạo cảm hứng cho họ bằng cách đánh lên những kiệt tác lớn, cách dạy khoa học kiểu này lãng phí đi cơ hội làm cho sinh viên ngồi thẳng lưng lên trên ghế và nói: "Tuyệt thật, khoa học đấy à?".
Dạy cho tuổi trẻ, truyền đạt cho người lớn
"Chúng ta đã cướp mất cái hồn của giáo dục khoa học khi chỉ tập trung vào các kết quả và tìm cách huấn luyện sinh viên giải các bài toán, và lặp đi lặp lại các dữ kiện mà không có một sự nhấn mạnh tương xứng vào việc chuyển tải chúng đi "xa hơn các vì sao"
Trong vật lý, để bạn có một khái niệm về những nguyên liệu làm đòn bẩy cho sự tiến bộ, cái cách mạng nhất trong những tiến bộ đã xảy ra trong 100 năm qua - thuyết tương đối hẹp, thuyết tương đối rộng, cơ học lượng tử - một bản hòa âm của những khám phá đã làm thay đổi quan niệm chúng ta về thực tại.
Gần đây hơn, mười năm qua đã chứng kiến một sự chấn động trong hiểu biết của chúng ta về cấu tạo của vũ trụ, đem lại một tiên đoán hoàn toàn mới là vũ trụ sẽ như thế nào trong tương lai xa. Đó là những sự phát triển làm rung chuyển tư duy khuôn mẫu. Nhưng hiếm thấy có một lớp trung học nào trong đó các bứt phá này được giảng dạy. Nó cũng rất giống câu chuyện trong các lớp sinh học, hóa học và toán học.
Nhưng khoa học còn hơn hẳn các chi tiết kỹ thuật của nó. Và với sự chú trọng cách diễn đạt, các kiến thức và khám phá thời sự hàng đầu có thể được truyền đạt đến sinh viên một cách sáng sủa và trung thực, độc lập với các phần chi tiết đó. Thực tế, những hiểu biết thấu đáo và các khám phá kia chính là những phần thúc đẩy một sinh viên trẻ đi đến chỗ ham muốn học hỏi các chi tiết.
Khoa học là điều kỳ thú nhất trong tất cả các câu chuyện phiêu lưu, nó đã diễn ra trong hàng ngàn năm nay. Khoa học cần được dạy cho tuổi trẻ và truyền đạt cho người lớn theo cách thức sao cho thể hiện được kịch tính này. Chúng ta phải bắt đầu một cuộc chuyển dịch văn hóa, đặt khoa học vào vị trí thích đáng của nó bên cạnh âm nhạc, nghệ thuật và văn học như một phần không thể thiếu của những gì đã làm cho cuộc đời đáng sống.
Nhìn ra thế giới và thấy được kỳ quan của vũ trụ vượt lên trên tất cả những thứ đang chia rẽ chúng ta, đó là quyền tự nhiên của mọi đứa trẻ, đó là sự cần thiết cho mọi người lớn, như người lính ở Iraq đã làm.
BRIAN GREENE
NGUYỄN XUÂN XANH dịch
--------------------
Bài đăng trên báo The New York Times ngày 1-6-2008 (http://www.nytimes.com/2008/06/01/opinion/01greene.html) và trên The International Herald Tribune vài ngày sau đó. Brian Greene là giáo sư vật lý Đại học Columbia (Mỹ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét