Luận điểm:
Trong bài phân tích này, bên cạnh việc kế thừa Darwin, tôi sẽ cũng khai thác các thành quả nghiên cứu của Freud, người khai sinh ra ngành Phân tâm học. Thành quả nghiên cứu mà tôi nói ở đây sẽ không phải là các khái niệm hay thuật ngữ mà Freud đã đưa ra, mà chính là các cột mốc về nhận thức mà Freud đã đạt được trong quá trình xử lý các ca rối loạn thần kinh chức năng và quá trình tư duy đào sâu vấn đề.
Theo tôi, có một sự tương đồng rất lớn giữa Darwin và Freud trong thành quả nghiên cứu của hai ông. Trong quá trình tiến hóa, dưới áp lực của chọn lọc tự nhiên, các loài thường xuyên phải chịu đựng các xung đột lớn trong bản thân của chúng: xung đột giữa các tập tính có sẵn (bản năng, được di truyền từ các thế hệ trước) và các tập tính mới cần được hình thành (trước yêu cầu thích nghi nhận được từ thực trạng môi trường sống bao quanh mỗi cá thể). Các xung đột này đặt ra một bài toán sinh tồn cho hệ thần kinh của mỗi cá thể, và thông qua hệ thần kinh, các bài toán sinh tồn sẽ được giải quyết ở nhiều cấp độ khác nhau. Tùy theo mức độ cơ bản của bài toán và mức độ khả dụng của lời giải, lời giải được hình thành sẽ chỉ được lưu giữ ở bộ nhớ ngắn hạn (dưới dạng một “hành động”), hay được chuyển sang một bộ nhớ dài hạn hơn (dưới dạng một “thói quen”), hay sẽ được chọn gửi vào bộ nhớ trung hạn (dưới dạng một “tính cách”), và cuối cùng, ở mức độ cao nhất, lời giải sinh tồn sẽ được chuyển thành các dữ liệu di truyền được truyền lại cho thế hệ sau (như là một dạng của “số phận”). Nếu hiểu như vậy, chúng ta sẽ không thấy có sự tách biệt rõ rệt khi so sánh các “tập tính có sẵn” với các “tập tính học được”, cũng như so với các hành vi đơn lẻ chưa phải là tập tính.
Theo phân tích như trên, tôi cho rằng giữa hệ thần kinh và hệ sinh dục có một mối liên hệ rất chặt chẽ. Hay nói cách khác, trong quá trình tiến hóa các sinh vật, tự nhiên lại có thêm một sáng tạo vĩ đại nữa là từ một cơ chế thích nghi giản đơn, các loài động vật đã hình thành nên hai hệ thần kinh và sinh dục tương đối độc lập nhưng vẫn hoạt động hỗ tương cho một mục đích chung: đó là sự sống còn của loài. Đó là lý do tại sao khi Freud nghiên cứu các vấn đề tâm lý nơi các bệnh nhân bị loạn thần kinh chức năng, ông thường tìm thấy được các bằng chứng rõ ràng của các căn nguyên tính dục gây ra các triệu chứng bệnh lý của thần kinh.
Đứng trên quan điểm của Darwin, chúng ta còn có thể lý giải được bế tắc của Freud về sự xung đột giữa “bản năng tính dục” và “bản năng phi tính dục”. Thực ra, sự xung đột này xảy ra giữa các bản năng sinh tồn được di truyền từ thế hệ trước và các bản năng cần có để thích nghi với môi trường sống hiện tại. Căn nguyên bao trùm nhất của tất cả các bản năng chính là sự sống còn của loài. Chính nó đã thể hiện ra ở các cá thể đơn lẻ nhiều loại bản năng khác nhau mà Freud đã nhận diện: bản năng sinh sản, bản năng duy trì sự sống, bản năng tìm tới cái chết,… Lý do mà Freud cứ mãi loay hoay với “bản năng tính dục” ở các bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng chính là sự không đồng nhất được giữa cái đúng bên ngoài với cái đúng bên trong của các bệnh nhân. Các bệnh nhân này thường có tổ tiên là các dân tộc man rợ của châu Âu, vốn có truyền thống “mạnh được yếu thua” và giải quyết các mâu thuẫn bằng cơ bắp rất mạnh mẽ. Truyền thống này dẫn tới một thực trạng là các cá thể trong cộng đồng rất dễ bị tiêu diệt, nên áp lực sinh sản để duy trì được sự sống còn của cộng đồng là rất lớn. Áp lực này lớn đến nỗi các hệ quả xấu của sự sinh sản đồng huyết đã không được để mắt tới, và hành động quan hệ tình dục với những người trong gia đình được xem là một hành động đúng, và thậm chí đúng đến mức quan hệ kiểu này cần được ưu tiên hơn là quan hệ với người bên ngoài gia đình. Cái sự đúng đắn này còn được thể hiện rõ ràng trong các truyện thần thoại cổ của châu Âu, trong đó sự tàn sát đẫm máu và sự quan hệ tình dục bừa bãi là một thực trạng hiển nhiên không có gì đáng bàn cãi. Các bệnh nhân của Freud đã nhận được một thông điệp di truyền, và từ đó xác định một cái đúng bên trong là “hãy quan hệ tình dục với người trong gia đình” và rất khó khăn cho anh ta trong việc tìm một người bạn đời bên ngoài. Trong khi đó, xã hội bên ngoài cá thể anh ta đã được đạo Thiên chúa giáo La mã (vốn tiến bộ hơn, tiến hóa hơn) giáo huấn rất khắt khe và khắc nghiệt rằng lấy người trong gia đình là một hành động hết sức sai trái, hết sức đáng lên án bởi vì nó hết sức nguy hiểm cho cộng đồng. Các cá thể khác trong xã hội có thể đã được dạy dỗ kỹ lưỡng hơn và thấu hiểu được nguyên nhân sâu xa của chuẩn mực đạo đức này, nên họ chấp nhận được chuẩn mực này một cách tự nhiên, trong khi đối với người bệnh, vì lý do nào đó, đã không được giảng giải rõ ràng nên bị bắt buộc phải chấp nhận theo kiểu “điều đó đúng, vì ai cũng làm như vậy”. Do đó, đối với các bệnh nhân này, cái đúng bên ngoài chưa hoàn toàn được chấp nhận để có thể phủ định được cái đúng bên trong đã tồn tại từ trước, vì thế mà có sự dồn nén và mâu thuẫn phát sinh bên trong hệ thần kinh của anh ta.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét