Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Thuyết Tiến hóa rộng (cá thể người: trường hợp của Nguyên - hoàn cảnh)

Hoàn cảnh:
Ông cố (ba của ông nội) của Nguyên là ông Thi, người thuộc dòng dõi có thế lực do nhiều đời theo chúa Nguyễn vào Thừa Thiên khai hoang lập ấp. Mẹ của ông Thi là con gái của võ tướng, tính tình cương trực, có chí khí. Ông Thi là con trai thứ trong gia đình, không coi trọng việc học mà thích đi tìm cơ hội mới phát triển kinh tế ở phía nam, trong khi anh của ông có học hành đàng hoàng nên làm viên chức cho Tây. Ông Thi có nhiều con gái nhưng có duy nhất một người con trai đầu, tên là Mưu. Đúng như tên gọi, ông Mưu từ nhỏ đã tỏ ra là người thông minh, sáng dạ, có nhiều ý tưởng và sáng kiến cải tiến. Do đó, ông Mưu được bà nội và người bác thương quý và bỏ công chăm sóc dạy dỗ, trong khi các em gái của ông lại sống với ba má. Từ nhỏ, ông Mưu được bà Nội mình rèn cho tính can trường có dũng khí, biết yêu quê hương biết bảo vệ người cô thế, lại được người bác chăm lo việc học hành đến nơi đến chốn. Được học trường tây, lại được tham gia hướng đạo sinh của huynh trưởng Tạ Quang Bửu, lại được người bác kể cho nghe những chuyện bất công của nhà cầm quyền thực dân, ông Mưu dần có khuynh hướng dân tộc chống Pháp. Trong khi đó, hai vợ chồng ông Thi cùng với những người con gái lên Tây Nguyên tìm cơ hội làm giàu với cây cao su, nhưng thất bại, có lẽ do không quản lý được những người làm công cứng đầu, do không thể bóc lột đồng bào mình như người Pháp thực dân, và cũng do chính quyền Pháp đâu dễ gì để miếng lợi béo bở từ cây cao su rơi vào tay người An Nam bản địa. Ông bà đâm ra chán nản rồi say mê cờ bạc và gia cảnh dần tuột dốc.
Khi vô đoàn tụ với gia đình ở Sài Gòn, ông Mưu không đi làm cho chính quyền Pháp mà đi dạy ở các trường tư thục và viết báo. Tại đây, ông bắt đầu tham gia Việt Minh và bị mật thám Pháp bắt. Trong tù, với vốn tiếng Pháp có sẵn, cộng với sự thân thiện cùng khả năng mỹ thuật khéo léo, ông đã chiếm được cảm tình của những người lính Âu Phi canh gác trại giam. Có lần cùng với má vào thăm ba trong tù, con trai lớn của ông Mưu còn được ba cho sô cô la đem về ăn. Khi được Pháp thả do không khai thác được tin tức gì, ông được cách mạng phân công công tác trí vận (vận động những người trí thức) rồi binh vận (vận động những người Việt đi lính cho Tây, và cho các chế độ thân Mỹ) do có khả năng diễn giải tốt những quan điểm của cách mạng cho những người chưa hiểu cách mạng. Hòa bình lập lại, ông được phân công làm phó chủ tịch ủy ban quân quản quận nhì và trở thành cán bộ trung cấp của chế độ mới.
Bà nội của Nguyên tên là Tuyết, lớn lên trong một gia đình đông anh em, vốn đã di cư từ Huế vô Sài Gòn từ sớm, nên tuổi thơ bà Tuyết gắn liền với mảnh đất Sài Gòn. Có má là một người phụ nữ khắt khe trong giáo dục con cái, lại có các anh chị em hết mực thương yêu đùm bọc nhau, lại vốn bản tính hiền hậu, nên bà Tuyết đã trở thành một người phụ nữ nội thành Sài Gòn tiêu biểu trong thời chiến: vất vả mưu sinh để nuôi đàn con ăn học, và lo cho chồng hoạt động cách mạng bí mật. Tất cả các con của bà đều không được mang họ cha, mà phải mang họ mẹ và nhận được sự chăm sóc tận tình của bên ngoại. Thật không may cho bà, người con thứ ba, đứa con gái đầu tiên mất khi mới ba tuổi do bệnh bạch hầu, nhưng thật may cho bà (hay là do bởi công sức dạy dỗ của bà) hai người con trai đầu người thì chăm chỉ học hành, người thì tháo vát siêng năng, nên bà cũng đỡ vất vả. Nhưng mà guồng máy chiến tranh khổng lồ đã khởi động, cả hai bên đều có những thế lực quyết chí vận hành nó, mặc cho những người đứng đầu muốn đàm phán với nhau để có một giải pháp hòa bình cho dân tộc. Guồng máy đó đã nghiến lên lãnh đạo của hai bên, thì không có lý do gì mà nó không nghiến lên bà Tuyết và gia đình của bà. Năm 1960, bà bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người và không thể tiếp tục chăm lo cho cuộc sống của năm người con. Trong thời kỳ này, bất chấp nguy hiểm, ông Mưu liên tục về nhà để chu cấp cho gia đình và động viên các con học hành, cũng như chăm sóc chạy chữa cho bà Tuyết. Nhưng mà lực bất tòng tâm, ông Mưu không thể xóa đi được những ưu tư lo lắng cũng như cảm giác trách nhiệm nặng nề của hai người con đầu đối với má mình và các em. Người con trưởng của ông không thể tập trung học hành, nên không thể theo nổi cả ĐH Kiến trúc lẫn ĐH Khoa học, và anh đã đi sĩ quan trừ bị để có tiền lương chu cấp cho má và các em. Người con trai kế, sau khi tốt nghiệp tú tài, cũng theo anh đi hạ sĩ quan, và đã chết khi vừa nhập ngũ. Bệnh tình bà Tuyết trở nặng hơn khi biết tin mình mất đi đứa con trai tài hoa tháo vát của gia đình, nhưng bà vẫn gắng gượng sống để dạy dỗ người con gái còn lại, người con thứ tư, giỏi giang việc bếp núc để sau này thay bà chăm lo cho gia đình, cũng như chăm lo cho hai người con trai út vì sợ chúng thua thiệt với bạn bè cùng lứa. Rồi hòa bình cũng lập lại, nhưng sức khỏe đã cạn kiệt, bà đã ra đi ba năm sau đó, không kịp chứng kiến bất kỳ thành quả nào của hòa bình. Sau đó, chiến tranh lại lập tức tiếp diễn ở biên giới tây nam, hai người con trai nhỏ nhất của gia đình lại lên đường lao vào trận chiến, và người con trai út của bà, người con thứ sáu hiền lành thư sinh, vướng mìn của khơ me đỏ bỏ gia đình ra đi. Chung cuộc lại, gia đình bà có tám người thì bà và ba người con đã sớm ra đi, không được sống những ngày hòa bình mà gia đình bà vẫn hằng mong đợi. Chỉ còn lại ông Mưu và các người con thứ nhất, thứ tư và thứ năm.
Nguyên chính là đứa con lớn nhất của người con thứ năm của ông Mưu. Khi anh Năm tham gia chiến đấu đẩy chiến tranh ra xa biên giới, thì bị thương và phải vào nằm trong trạm xá quân y, và chính ở đây anh đã gặp mẹ của Nguyên.
Chị Năm là y tá, tình nguyện nhập ngũ và xung phong chiến đấu trong hoàn cảnh người dân cả nước hồ hởi phấn khởi với nền hòa bình mới xác lập và sự hòa hợp dân tộc sắp dựng xây. Mọi người trong thời điểm đó đều tha thiết muốn đóng góp sức mình để xây dựng một chế độ hoàn toàn mới, chấm dứt hoàn toàn những cái xấu xa, dở hơi, thối nát của những gì đã từng tồn tại trước đó. Chị Năm tin rằng nếu hòa mình vào cuộc sống mới, chị có thể quên đi những sự tổn thương lớn lao mà mẹ chị đã gây ra cho chị. Qua hình ảnh một người phụ nữ thả trôi số phận của mình do mẹ chị vẽ nên, chị biết rất rõ những gì từng tồn tại trước kia cần được thay đổi. Và chị đã tìm thấy được ở anh Năm một sự đồng cảm sâu sắc về nhiệt huyết của tuổi trẻ thời đại mới, có thể làm được mọi việc, dù là khó khăn trở ngại đến đâu. Thế là anh chị Năm đến với nhau bằng một tình yêu đôi lứa trong sáng và chân thành, được bao bọc bởi những tình cảm lớn lao, tươi đẹp và mới mẻ mà lần đầu tiên họ cảm nhận được.
Khi xuất ngũ, chị Năm trở thành con dâu ông Mưu và rồi anh chị Năm có Nguyên. Vốn thất vọng với người con đầu tuy học giỏi nhưng không thực hiện được mơ ước của ông (trở thành kiến trúc sư), ông Mưu đặt nhiều hy vọng vào người con trai còn lại là anh Năm vì anh có khiếu mỹ thuật, lại ham hiểu biết, thích học hỏi những điều mới lạ ở người khác rồi tự mình ứng dụng. Vì thế, sự kháu khỉnh dễ thương của Nguyên khi mới sinh (giống anh Năm) khiến ông rất thích và cho rằng: “tướng thằng này về sau có thể làm tới bộ trưởng”. Rồi Nguyên lớn dần lên trong bối cảnh những vị lãnh đạo tâm huyết như Nguyễn Văn Linh từng bước giải phóng nguồn lực trong dân và bắt tay xây dựng nền kinh tế phù hợp cho đất nước. Lúc đó anh chị Năm không thể cảm nhận được những cơ hội và thách thức mà sự tự do kinh tế (do công cuộc đổi mới khởi xướng) đặt ra gay gắt cho mỗi người dân, cũng giống như trước kia anh chị đã không nhận thức được rằng sự nhiệt tình và niềm tin không phải là tất cả những gì cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Anh trở thành họa sĩ, còn chị Năm thì… trúng số độc đắc. Chị quyết định gửi phần lớn số tiền đó cho Nguyễn Văn Mười Hai, để hưởng lãi suất 12% và hưởng an nhàn trong cuộc sống.
Năm 1990, chị trở thành nạn nhân trực tiếp và anh là nạn nhân gián tiếp của nước hoa Thanh Hương. Anh chị trở thành nạn nhân của Thanh Hương là bởi vì cảm nhận rằng cuộc sống mới bắt đầu được xây dựng trước kia có vẻ như không thể vận hành được, rằng không có cơ hội cống hiến cho những người con cán bộ như anh chị nếu không đủ năng lực đi du học, hoặc không thể phơi mình nơi các công trình thủy lợi, hoặc không hì hục học ĐH trong nước được với cái bụng đói, hoặc không chấp nhận làm viên chức “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”. Mối dây liên hệ ngày xưa đã kết nối hai anh chị bây giờ ngày càng lỏng lẻo. Và chuyện đã xảy ra, chị phát hiện anh có bồ nhí, chị cùng với gia đình tạo áp lực với anh để anh từ bỏ, nhưng những cố gắng đó chỉ khiến anh đi đến việc ly hôn nhanh hơn, bất chấp Nguyên đang còn nhỏ.
Từ đó, Nguyên phải sống trong cảnh ngày thường sống với ba với cô (Nguyên không gọi bằng chị của ba bằng bác) và ông nội, cuối tuần lại về với mẹ. Nguyên nhận được một sự giáo dục kép từ phía ông nội và mẹ, ở với ông nội thì “mày ngu giống mẹ mày”, ở với mẹ thì “mày cà chớn y như bên nội mày”. Ba Nguyên thì chỉ quan tâm đến việc làm sao để Nguyên không thiếu những gì mà ngày xưa ông ao ước. Ông không tạo áp lực về việc học đối với Nguyên, học được thì tốt không học được thì thôi, vì không muốn con mình mất đi tuổi thơ hồn nhiên như những đứa trẻ khác. Cô của Nguyên vì lập gia đình trễ, nên coi Nguyên như con đẻ, và cũng chăm sóc Nguyên theo cách của cô, nhưng cũng lo Nguyên bị thiệt thòi nên không la hay đánh mỗi khi Nguyên làm sai. Trong bối cảnh như vậy, lại có máu nghệ sĩ và lãng tử giống ba, nên Nguyên không thể tập trung học, mà thường tham gia quá đà vào các trò chơi. Có không ít lần Nguyên gây ồn ào giữa trưa, có gia đình hàng xóm ra mắng “trưa phải để người ta nghỉ ngơi chứ!”, thế là Nguyên quay lại chửi tay đôi với bà hàng xóm đáng tuổi bà mình. Có người thắc mắc với ông nội Nguyên là tại sao lại để Nguyên cư xử như vậy, thì ông bảo tại bà ấy dại, lớn tuổi mà đi dây với nó làm chi để bị nó chửi. Người ấy lại thắc mắc tại sao còn nhỏ không uốn nắn, lớn lên thì làm sao… thì ông lại bảo nó còn nhỏ, giảng nó không hiểu được đâu, lớn lên tự khắc nó nhận thức được.
Rồi một ngày, cuộc đời nghệ sĩ đã dun rủi cho ba Nguyên làm việc cho một tiệm thời trang và trở thành người thiết kế các mẫu hoa văn trang phục cho tiệm. Gặp trào lưu “ăn ngon mặc đẹp” sau thời kỳ bao cấp đói khổ, trong khi các mẫu thiết kế của anh Năm rất sáng tạo và phù hợp với nhu cầu của thị trường, nên tiệm thời trang đó đã phát triển rất nhanh chóng và được nhiều người biết đến. Anh Năm và cô chủ trẻ đã nên duyên vợ chồng và Nguyên có một người mẹ kế. Vốn lớn lên trong gia đình nhà giáo nên cô chủ trẻ quyết tâm không để mang tiếng người đời “mấy đời bánh đúc…” nên chăm sóc Nguyên khá chu đáo. Cô gần gũi trò chuyện và mua tặng Nguyên những thứ mà Nguyên thích, làm cho anh Năm khá hài lòng. Thế rồi cô lại cho Nguyên một đứa em. Trong niềm vui có thêm một đứa cháu, ông nội Nguyên nhìn em bé và lại dự đoán: “thằng này chắc phải làm tới thủ tướng chứ chẳng chơi”. Từ khi có “thủ tướng”, cô chủ trẻ không những không bớt quan tâm đến “bộ trưởng” mà trái lại còn quan tâm đặc biệt hơn, bởi vì cô muốn những tình cảm gia đình nơi con trai cô phát triển một cách bình thường. Theo tiến triển đi lên của tiệm thời trang, sự nổi tiếng trong nước và các cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài đặt ra cho cô chủ trẻ áp lực phải mở rộng kinh doanh. Chính áp lực này đã làm cho cô và anh Năm trở nên mâu thuẫn với nhau về quan điểm. Cô mong muốn anh Năm ngoài công việc sáng tác còn phải giúp cô quản lý các hoạt động tại xưởng và quản lý doanh số cửa hàng, để cô có thời gian chuẩn bị cho sự mở rộng quy mô. Anh Năm thì cương quyết bảo vệ phẩm chất của người nghệ sĩ và nhất định không chịu gò mình vào công việc quản lý. Đến lúc này, hai bên mới nhận thấy được sự khác biệt với nhau cả về nhận thức kinh doanh lẫn chuẩn mực hôn nhân, và tình yêu phát sinh giữa hai người trước đó đã không đủ lớn để họ bù đắp cho nhau sự khác biệt, kết quả là anh Năm có sự đổ vỡ gia đình lần thứ hai. Còn Nguyên thì dần dần thôi giữ chức bộ trưởng và được trang bị thêm một số sự chỉ trích dành cho người mẹ của đứa em kế.
Cứ theo cách như vậy, người lớn sợ Nguyên tổn thương, nên hoặc là lên án nhau thông qua Nguyên, hoặc là không dám đụng đến Nguyên khi Nguyên sai, hoặc là chăm sóc kỹ lưỡng nhưng thiếu đầu tư cơ bản, chất Chí Phèo bắt đầu phát triển trong con người Nguyên hồi nào không hay. Nguyên học không hết lớp 11, được một người chú họ giới thiệu đi làm phục vụ phòng ở một khách sạn lớn của nước ngoài nhưng không làm được lâu do nghĩ rằng công việc không xứng đáng với năng lực của mình. Khi có lệnh gọi nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự, được mọi người động viên, Nguyên noi theo gương cha mẹ khi xưa, lên đường làm nhiệm vụ ở Tây Ninh trong thời bình. Nhưng mà kỷ luật sắt đá của môi trường quân ngũ khiến Nguyên chịu đời không thấu, Nguyên đào ngũ và đối diện với một cú trượt dài trong cuộc đời khi phải sống trong tình trạng trốn chui trốn nhủi. Rồi may mắn một người con gái xuất hiện, làm mát dịu lại cái đầu nóng của Nguyên, và khuyên Nguyên quay lại đơn vị. Nguyên đồng ý, và ba Nguyên cậy mối quen biết đồng đội xưa kia để Nguyên không bị kỷ luật quá nặng nề. Trong tình yêu của người yêu, cuối cùng thì Nguyên cũng hoàn thành được thời gian tại ngũ.
Ngay ngày xuất ngũ, Nguyên được người anh họ đề nghị về làm quản lý cho cơ sở kinh doanh của anh, vì anh đang gặp khó khăn về nhân sự. Vốn phù hợp với sở trường thích ăn uống, nên Nguyên đã hào hứng tham gia ngay. Được sự động viên của anh này, và sự khuyến khích của cả gia đình, cũng như còn nếp của bộ đội, Nguyên đã vượt qua được khó khăn trong thời gian đầu để hoàn thành tốt công việc. Thế nhưng, khi công việc có những khó khăn mới, khi phải lần đầu tiên chịu sự trách mắng cho sai sót của mình từ phía người chị dâu họ, Nguyên đã bất mãn và gây sự với anh họ mình để có cớ ra làm riêng. Chất Chí Phèo lại một lần nữa phát triển, Nguyên từ bỏ người bạn gái đã giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn, để “quen” với người nhân viên tốt nhất của anh họ và rủ cô này về làm với mình. Nguyên còn rủ các nhân viên khác về làm với mình, và gặp gỡ khách hàng của anh họ để thuyết phục họ sử dụng sản phẩm của mình. Khi người anh họ trách Nguyên sao nỡ vô tình đối xử với anh như vậy, thì Nguyên nhắn tin chửi rủa người chị dâu bằng những lời lẽ thiếu giáo dục. Hiện giờ, Nguyên vẫn chưa thành công với công việc kinh doanh của mình…

1 nhận xét:

Mai Quang Huy nói...

(từ Thắng)
chào Huy..Chủ đề mà bạn chọn cho blog của mình khá thú vị đấy. Tôi chưa đọc hết được các bài nhưng nghĩ bạn khá đặc biệt khi chọn chủ đề này. Bạn có cái nhìn khá sắc sảo của một nhà sinh vật học. Chúc bạn sức khỏe để ngày càng cống hiến thêm những entry thú vị, khoa học và cả những giả thuyết thú vị nữa.
(04/07/2008)