Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Thuyết Tiến hóa rộng (gà gáy điểm canh)

Hồi xưa, cách nay không lâu lắm, ông bà mình đâu có xài đồng hồ dây cót hay đồng hồ điện tử như bây giờ, cái đồng hồ mà ông bà xài chính là con gà trống. Lúc đó, một ngày có 24 tiếng đồng hồ như ngày nay được người xưa chia thành 12 giờ tương ứng với 12 con giáp:
giờ Tí (tương đương khoảng từ 23g đêm hôm trước đến 1g sáng hôm sau),
giờ Sửu (tương đương từ 1g đến 3g),
giờ Dần (từ 3g đến 5g),
giờ Mẹo (5g – 7g),
giờ Thìn (7g – 9g),
giờ Tỵ (9g – 11g),
giờ Ngọ (11g – 13g),
giờ Mùi (13g – 15g),
giờ Thân (15g – 17g),
giờ Dậu (17g – 19g),
giờ Tuất (19g – 21g),
giờ Hợi (21g – 23g).
Trong đó, giờ Tuất, giờ Hợi, giờ Tí, giờ Sửu, giờ Dần là các giờ ban đêm. Mà ban đêm cần phải có tuần tra canh gác để bảo vệ cộng đồng làng xã nên các quan phụ mẫu xưa gọi giờ Tuất là canh một, giờ Hợi là canh hai, giờ Tí là canh ba, giờ Sửu là canh tư, giờ Dần là canh năm, đầu mỗi canh sẽ có người gõ mõ hoặc gõ trống để điểm canh.
Trong tiếng Việt ngày nay, chúng ta còn nghe những thành ngữ như: “giờ Tí canh ba” nghĩa là khoảng nửa đêm về sáng, “gà gáy canh năm” hay “gà gáy sáng” là lúc mọi người lục tục thức dậy thổi bếp lửa nấu cơm nước chuẩn bị cho một ngày làm việc, “tiếng gà trưa” là hình ảnh quê hương yên tĩnh thanh bình, “gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh dài mẹ thức đủ vừa năm” là sự thao thức của người mẹ lo lắng chăm sóc cho đứa con của mình được ngon giấc, “canh bốn, canh năm vừa chợp mắt, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” là sự trằn trọc khôn nguôi của một vị lãnh tụ canh cánh nỗi lòng lo cho quê hương xứ sở. Ở mỗi thời khắc chứa chan tình thương yêu hay thấm đẫm mồ hôi lao động, các vị tiền nhân luôn có một người bạn bên mình, đó chính là tiếng gà gáy điểm canh. Có mặt khắp mọi nơi, tự nhiên không gò ép, tiếng gà gáy luôn nhắc nhở mọi người rằng thời gian đang trôi, hãy cố giữ nhịp điệu của mình và hoàn thành những dự định còn dang dở.
Theo những người sống ở vùng quê mà tôi được biết, gà trống có thể gáy nhiều lần trong ngày, vào giữa mỗi giờ con giáp, nhưng thường xuyên đều đặn nhất là gáy vào giữa giờ Tí (12g khuya) và giữa giờ Dần (4g sáng). Theo thuyết Tiến hóa đang được chấp nhận và được giảng dạy rộng rãi thì gà gáy sáng là một tập tính bẩm sinh, được hình thành từ một chuỗi các phản xạ không điều kiện, nhằm trả lời các kích thích của môi trường bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Tập tính này được xếp cùng một loại với tập tính bú mẹ của các loài thú, tập tính làm tổ ấp trứng của các loài chim, tập tính giăng tơ của các loài nhện,… Như vậy, kế thừa Darwin, chúng ta có thể hiểu tập tính gáy của mỗi con gà trống không phải do học hỏi được từ gà trống cha, mà xuất phát từ các kích thích bên trong cơ thể (bản năng) và các kích thích bên ngoài của môi trường sống. Có nghĩa là, gà gáy do cơ thể con gà (dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ hay một yếu tố nào đó liên quan đến mặt trời hay sự chuyển dịch thời gian giữa ngày và đêm) đòi hỏi nó phải gáy. Như vậy, dưới ánh sáng khoa học của nền sinh học hiện đại, tập tính gà gáy vẫn còn rất nhiều điểm mù mờ chưa được soi rọi, chúng ta còn phải tự hỏi nhiều câu hỏi như:
_ Kích thích bên trong (hay là bản năng) đòi hỏi gà trống phải gáy có ý nghĩa gì? Không giống với các tập tính bú mẹ của các loài thú, làm tổ ấp trứng của các loài chim hay giăng tơ của các loài nhện, tập tính gáy sáng của gà trống không có vẻ gì liên quan trực tiếp đến sự sống còn của loài gà trong tự nhiên. Cá thể thú sơ sinh nếu không bú được sẽ bị chết, cá thể chim nếu không làm tổ ấp trứng được thì không thể duy trì được nòi giống, cá thể nhện không giăng tơ được thì không kiếm được cái ăn. Dưới áp lực của chọn lọc tự nhiên, loài thú không bú mẹ hay loài chim không làm tổ ấp trứng hay loài nhện không giăng tơ sẽ bị tiêu diệt và tuyệt chủng. Vậy liệu có chăng khả năng nếu không gáy đều đặn mỗi ngày vào lúc 12g đêm và 4g sáng, thì những con gà trống kia không thể giao phối với gà mái để duy trì nòi giống? Nếu nói rằng loài gà cũng giống như loài chim, gáy để quyến rủ con mái hay xác định chủ quyền lãnh thổ, thì làm sao giải thích được việc gà trống gáy vào đúng nửa đêm? Lúc đó, mắt mũi kèm nhèm của loài gà đâu có cho phép nó có khả năng chiến đấu hay ân ái gì?
_ Tại sao gà trống lại có khả năng gáy chính xác vào những khoảng thời gian xác định? Cơ quan nào của loài gà có khả năng đếm nhịp thời gian, hay là cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ, hay là cảm nhận được sự thay đổi ánh sáng, hay là cảm nhận được sự thay đổi tương đối vị trí giữa mặt trời và trái đất?
_ Trải qua quá trình tiến hóa, loài gà đã hình thành nên tập tính gáy cho gà trống như thế nào? Quá trình hình thành nên tập tính này có liên quan đến “chọn lọc tự nhiên” không? Nếu có thì cách thức chọn lọc là như thế nào? Nếu không thì nguyên nhân nào đã hình thành ở gà tập tính gáy sáng? Tập tính gáy sáng được hình thành cùng một lúc với quá trình hình thành loài gà, hay đã có lúc loài gà không biết gáy?
_ …
Để có căn cứ đưa ra câu trả lời của mình, tôi đã tìm kiếm và chú ý đến các thông tin sau:
_ Gà gáy điểm canh được là những loài gà có sự khác nhau rất rõ ràng giữa gà trống và gà mái: cao to, có cựa, mồng thấy rõ, lông rực rỡ, tướng oai vệ. Ở những loài gà này, tập tính sinh sản không bao giờ là “một chồng, một vợ, khỏi sợ si đa” mà luôn là một gà trống chăm lo cho nhiều gà mái.
_ Đặc điểm gáy của gà là không dùng dây thanh quản rung động như chúng ta mà là cho không khí thoát khỏi cổ họng theo kiểu còi tu huýt hay ống sáo. Gà điều chỉnh được việc cho âm lên cao hay xuống thấp (ò, ó, o) là do thu hẹp hay mở rộng vùng cổ này ra.
_ “Gà tức nhau tiếng gáy” tức là trong phạm vi một vùng nào đó có nhiều con gà trống, thì khi có một con cất tiếng lên là thế nào các con còn lại cũng đua nhau gáy theo.
Dựa trên những dữ liệu ít ỏi trên, tôi sẽ cố gắng phân tích và đưa ra giả thuyết đầu tiên của tôi giải đáp cho các câu hỏi thuộc vấn đề “gà gáy điểm canh”. Những gì tôi viết sau đây chỉ là giả thiết của cá nhân tôi, chưa hề được kiểm chứng và cũng chưa hề được công nhận ở bất kỳ nơi đâu.
Vào thời kỳ khủng long ngự trị trên Trái đất, vì vỏ trái đất chưa nguội đi nhiều và các lục địa chưa được hình thành một cách ổn định, các kiến tạo địa chất vẫn còn đang diễn ra rất sôi động, các núi cao và các khe vực sâu được hình thành và phá bỏ một cách thường xuyên với tốc độ nhanh hơn bây giờ rất nhiều. Lúc đó, mối đe dọa đối với các loài không phải đến từ các loài thuộc mắt xích bên trên của chuỗi thức ăn, mà đến từ thế giới phi sinh vật: động đất, núi lửa phun, đá bay, khí độc, cuồng phong, bão tố, sóng thần, lũ lụt,… Do đó, trình độ thích nghi của các loài chủ yếu chỉ ở mức phù hợp với môi trường cảnh quan, chưa có nhiều khả năng thích nghi phù hợp với môi trường sinh giới. Có nghĩa là, vào thời điểm đó, để sống còn, các loài sinh vật không giỏi tấn công vào các loài khác và cũng không giỏi phòng thủ hay tự vệ trước các loài khác, mà phải giỏi chịu đòn, giỏi hứng chịu sự huấn luyện đến khổ nhục của bà mẹ tự nhiên. Điều này sẽ giải thích được tại sao lúc đó trong các động vật thì các “đồng chí” bự con lại chiếm ưu thế đến như vậy, nên chúng ta mới gọi các “đồng chí” ấy là “khủng long” tức là những con vật khác thường (long) và khổng lồ (khủng). Theo suy luận chưa được rõ ràng của tôi thì thời này còn có một số đặc điểm khác: những con khủng long chẳng những to lớn mà còn sống lâu nữa (có thể hơn một trăm năm hay vài trăm năm cũng không chừng) do chúng chưa phải chịu một áp lực nào đòi hỏi phải giới hạn tuổi thọ lại, cơ thể sống của chúng chưa được lập trình cho cái chết mà chỉ làm nhiệm vụ sống đến khi nào bị ngoại cảnh giết chết đi thôi, có con sống sót tới thời Hùng vương lận (lịch sử của chúng ta có mô tả các loài thủy quái như giao long, thuồng luồng); môi trường lúc đó cũng rất giàu can-xi nên hễ con nào có xương là con đó bự; động vật đã phát triển rất phong phú, ngoài khủng long còn có những loài động vật không to lớn, cả trên cạn lẫn trong lòng đại dương.
Trong suốt thời kỳ đó, lần đầu tiên, dưới áp lực của chọn lọc tự nhiên, trong các loài động vật đã xuất hiện trào lưu thích nghi với âm thanh: cảm nhận được âm thanh và phát ra âm thanh. Các loài động vật nhỏ bé hơn khủng long không có khả năng chịu đòn tốt như khủng long, đã bắt buộc phải phát triển khả năng cảm nhận các chấn động lan truyền trong không khí như là các cảnh báo sớm cho các mối nguy hại đến từ những hiện tượng tự nhiên (vốn rất ồn ào) nói trên. Do đó, ở các loài này đã có sự hình thành màng nhĩ và các cơ quan thính giác. Tuổi thọ ngắn của các loài này đã giúp tiến trình thích nghi với âm thanh của chúng được tiến hành nhanh hơn loài khủng long, do đó khi mà loài khủng long bắt đầu có những tiến bộ đầu tiên về thính giác và bắt đầu có khả năng nhận biết nguy hiểm bằng âm thanh, thì những động vật nhỏ bé kia đã phát triển trước một bước: tạo ra âm thanh. Sau một lần ách xì hay ho hen (hay một cái gì đại loại thế, tương tự thế), những cá thể thông minh nhất của loài thú và loài gà tiền sử chợt nhận thấy những ông tướng bành ki, vốn thường xuyên tranh chấp thức ăn với mình, đang ở gần mình bỗng nhiên bỏ đi. Thế là các cá thể đó cố gắng lập lại hành động tống không khí thoát khỏi cổ họng của mình đó, để tạo ra âm thanh, và để bảo vệ nguồn thức ăn của mình. Qua quá trình chọn lọc tự nhiên, sự sống đã ưu tiên cho những kẻ mồm to nhất, khiến khả năng rống hay gáy của các loài dần dần phát triển. Sau một thời gian, khi mà bà mẹ thiên nhiên đã trở nên dịu dàng hơn, khả năng chịu đòn của các loài khủng long đã không còn lợi thế vượt trội trong quá trình sinh tồn, trong khi nguồn thức ăn lại bị cạnh tranh gay gắt (bị các loài nhỏ hơn chiếm đoạt do tạo ra được những “tiếng động khủng khiếp” đối với loài khủng long), đồng thời nhiều cá thể khủng long cũng bị các loài chim thú dồn ép đến mức căng thẳng quá mà chết. Đó chính là quá trình làm tuyệt chủng loài khủng long, hết sức từ từ chứ không đột ngột như thuyết thiên thạch rơi, núi lửa phun khí độc hay dung nham chảy tràn lan. Như vậy, với thuyết của mình, tôi cho rằng khủng long không thể tuyệt chủng do các lý do thiên thạch, núi lửa hay dung nham (mà trái lại chịu đựng những thứ đó vốn là sở trường của chúng) mà chính là sự ổn định hơn của một thời kỳ mới trên trái đất đã tiêu diệt các loài khủng long.
Trong số các hậu duệ của loài thú thời đó, bây giờ ta vẫn còn thấy sư tử rống, cọp gầm, sói tru, và người thét. Còn hậu duệ của gà tiền sử chính là gà viễn đông (sau này lan truyền ra cả thế giới), mỗi ngày cất cao tiếng gáy để xua đuổi những kẻ ỷ lại sức mạnh bản thân nhưng đầu óc lại ngu si mông muội…Các vấn đề về tập tính gáy sáng sẽ được giải thích trong bài viết tiếp theo, dựa trên các giả định về hoàn cảnh hình thành tiếng gáy của loài gà được đưa ra trong bài này.

Không có nhận xét nào: