Thứ Ba, 25 tháng 11, 2008

Lên chùa

“Lên chùa bẻ một cành sen… Lên chùa bẻ một cành sen… ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…”.
Tiếng hát ở đâu vang ra vậy kìa? Tôi mở mắt ra, xoay qua xoay lại một hồi mà vẫn không xác định được nguồn âm, vì không có hướng nào làm cho giọng hát rõ ràng hơn được. Tôi nhắm mắt lại, âm thanh lại như từ tất cả các hướng vọng về, dội vào lòng rồi lại lan tỏa ra, chơi vơi, mông lung. Ai chà, vậy là chắc tôi đã lên chùa, lên chùa thật rồi. Nhưng mà, đây là chùa nào, và tại sao tôi lại lên chùa thì tôi thực không rõ, cũng không rõ như việc tôi đi đâu đến đây và đến đây vào lúc nào?
Mà sao, chùa ở đây không sáng sủa như ở các chùa khác, phía sau đầu tượng không có các đèn xanh đỏ chạy hào quang? Trên bàn thờ Phật chỉ có hai cây đèn cầy loại lớn, ở giữa là bát hương cắm đúng ba cây nhang đang cháy leo lét. Ánh sáng đèn cầy làm cho bóng tượng Phật rập rờn, lung linh trông thật huyền ảo, sống động chứ không cứng nhắc, vô tri như khi dưới ánh sáng đèn điện. Phật ngồi đó, thanh thản mà tập trung, suy tư mà không vướng bận. Tôi không nhận thấy ở Phật “một nụ cười ba phải” như ai đó đã từng nhận xét. Thật sự Phật là người biết mình làm gì và suốt đời sống theo con đường đã chọn, điều mà ngày nay rất nhiều người không làm được. Bất giác, tôi quỳ xuống đảnh lễ với lòng kính phục:
_ Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Tôi vừa lạy xong đúng ba lạy thì tự dưng tiếng hát im bặt, một giọng trầm ấm vang lên:
_ Này con, con lên chùa để bẻ một cành sen hay để chơi trăng ngoài thềm?
_ Nam mô Phật, xin cho con kính thỉnh một cành sen… - Tôi thầm nghĩ âm thanh vòm ở đây thật tốt, vì Đức Phật vẫn tỉnh toạ bất động mà tiếng nói cứ âm vang như là giữa tôi với Người có sự thần giao cách cảm vậy.
_ Con đã chọn cách tiếp cận trực tiếp chân lý nhiệm màu. Con hãy hỏi ba câu hỏi dành cho con!
_ Nam mô Phật, trong cuộc sống, nếu vì phải giữ mình trong sáng như hoa sen mà gặp phải những khó khăn quá lớn thì con phải làm sao?
_ Con hãy luôn nhớ đến ba chữ Bi, Trí, Dũng. Bi có nghĩa là thương yêu giúp đỡ, không phải bằng lòng thương hại những kẻ xấu số mà bằng lòng thương yêu bình đẳng và sự giúp đỡ chân thành. Lòng từ bi được thể hiện bằng cách chân thành thương yêu và giúp đỡ những người thân yêu như cha mẹ, anh em, bà con rồi đến đồng bào, đồng loại và tất cả chúng sinh. Nếu con hiểu thấu đáo chữ Bi, hiểu đến mức có cảm xúc, thì chính những khổ đau của kẻ khác sẽ là động lực giúp con vượt qua được những khó khăn của chính mình.
Trí là sự hiểu biết sự vật đúng như sự thật, hoặc ít ra là tiếp cận sự thật gần nhất đến mức có thể. Chúng ta có kiến thức song chưa có trí tuệ vì chúng ta chưa ra khỏi ảnh hưởng của vô minh và còn bị tình cảm vẩn đục chi phối. Do đó, muốn đạt được chữ Trí, chúng ta cần phải trao dồi trí tuệ bằng cách không chủ quan, tự mãn mà thành khẩn học hỏi, suy nghĩ khách quan và thực nghiệm thấu đáo. Đạt được chữ Trí, con sẽ dễ dàng vượt qua được những khó khăn mang tính khách quan.
Dũng tức là mạnh dạn, dám hành động trong chiều hướng cao đẹp. Phần đông chúng ta chưa có đủ dũng cảm vì chúng ta còn sợ khó, nếu không nói là hèn nhát. Nhiều khi thấy chính nghĩa song chúng ta không dám dấn thân vì sợ nguy hại cho quyền lợi, danh vọng và tính mạng. Có người dám nói, dám làm song lại thiếu Từ bi, Trí tuệ nên thường manh động hơn hành động. Cùng với sự trợ giúp của Từ bi và Trí tuệ, chúng ta phải phát triển lòng dũng cảm bằng cách dám làm những việc tốt, dám đứng về phía lẽ phải và dám ngăn trừ những điều xấu xa, sai trái. Dũng chính là thứ vũ khí lợi hại giúp chúng ta chiến thắng được những khó khăn có tính chủ quan.
_ Con rất quan tâm đến đạo lý Vô ngã, Vô thường nhưng con lại chưa hiểu rõ lắm. Xin Người hãy giải thích cho con!
_ Con người ta ai cũng được sinh ra trong một hoàn cảnh nhất định. Đó là thức ăn họ ăn hằng ngày, trang phục họ sử dụng, ngôi nhà mà họ đang sống, tình cảm gia đình mà họ được hưởng, phong cách sống mà họ được tiếp nhận, đặc điểm của cộng đồng mà họ tham gia như một thành viên, chủng tộc và đặc tính giống loài do kiểu gien mà họ mang, vân vân và vân vân… Còn nhiều, rất nhiều những điều kiện khác nữa quyết định đến sự hình thành một con người. Chính những điều kiện này làm cho con người ta trở nên là một người cao hay thấp, mập hay ốm, hiền hay dữ, đẹp hay xấu, dễ thương hay ghê tởm, mạnh mẽ hay yếu đuối, lãng mạn hay thực tế, hạnh phúc hay đau khổ,… Chính vì thế mà, từ bao đời nay những bậc làm cha làm mẹ luôn cố gắng hết sức mình để chuẩn bị cho con cái mình những điều kiện thật tốt (theo ý họ) nhằm mục đích tạo một cuộc sống hạnh phúc cho con cái. Ở các nước phương Tây, do một truyền thống sống coi trọng những điều kiện bên ngoài mang tính thiết thực trước mắt, nên trải qua nhiều đời, thành quả mà họ đạt được chính là một nền khoa học – kỹ thuật – công nghệ phát triển rực rỡ. Và, thành quả đó đã đi song hành với sự phát triển của một quan niệm cho rằng con người ta chỉ thực sự được sống (tức chỉ thực sự tồn tại) khi các giác quan của họ được thỏa mãn bởi một môi trường vật chất ngày càng dễ chịu hơn. Chính quan điểm này đã khiến người ta ngày càng xem thường các mối quan hệ mang tính tinh thần giữa người với người và “đầu tư” quá ít vào đó. Để rồi, người ta bỗng dưng cảm thấy sao mình không một mình mà lại rất cô đơn, không nghèo nàn mà lại rất thiếu thốn, không ai dám xem thường mà vẫn rất cần phải tự khẳng định, và người ta không hạnh phúc. Đó chính là nỗi khổ do không tôn trọng các điều kiện tinh thần cấu tạo nên con người, coi con người độc lập với các giá trị tinh thần. Và đó cũng chính là một dạng sai lầm do không nhận thức được nguyên lý “Vô ngã”: mọi sự vật, hiện tượng không bao giờ hoàn toàn độc lập với nhau mà giữa chúng luôn có mối quan hệ hữu cơ chằng chịt
Ngược lại, nếu những người Á Đông cứ “thủ cựu bài tân”, không chịu tiếp nhận các giá trị khoa học mà phương Tây đã đạt được để phục vụ cuộc sống thì đó chính là dạng sai lầm khác đối với nguyên lý “Vô ngã”: xem con người như là một “bản thể độc lập” đối với những tiện nghi mà khoa học đem lại.
Đó là đạo lý “Vô ngã”, còn “Vô thường” có nghĩa là: không có sự vật hiện tượng hay một sự tương quan nào là không thay đổi, không có gì không đang chuyển sang trạng thái khác. Không những không thể có “một con suối” để chúng ta có thể tắm hai lần, mà cũng không có “một con người” để có thể tắm hai lần trên một dòng suối. Và, vì không có sự cách biệt quá rõ ràng giữa những trạng thái khác nhau của cùng một sự vật hiện tượng, hay nói cách khác mọi cái (bao gồm cả con người) không hề “là” mà luôn luôn “trở nên”, con người cần phải biết luôn phấn đấu để “trở nên” tốt đẹp hơn nếu không muốn “trở nên” xấu xa hơn.
Như vậy, đạo lý “Vô ngã” và “Vô thường” chính là công cụ để chúng ta có thể hiểu được sự thật qua chiều ngang (không gian) cũng như qua chiều dọc (thời gian). Trong cái thời buổi mà xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, ta thấy rằng “Vô thường” có thể dễ dàng được cảm nhận hơn so với “Vô ngã”. Nhưng thực ra, “Vô thường” có liên hệ mật thiết đến “Vô ngã” và ngược lại. Sự vật, hiện tượng vận động, phát triển không ngừng là do chúng chịu tác động tương hỗ bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, mà bản thân các yếu tố này lại cũng luôn luôn phát triển, vận động. Nội suy trong xã hội loài người, không có một cái tôi con người nào có thể đứng ngoài được vòng xoáy của xã hội, cũng như xã hội không thể không thay đổi trước nỗ lực của mỗi con người cụ thể. Vậy thì, “Vô ngã” và “Vô thường” chính là hai mặt tương quan đồng thời và tương quan khác thời của đạo lý Duyên khởi vốn là cốt lõi của đạo Phật.
_ Nam mô Phật, như vậy là, theo đạo lý Duyên khởi, nếu con muốn cuộc sống của con tốt đẹp hơn lên, thì con phải luôn tác động có ích vào các điều kiện sống quanh mình, cả vật chất lẫn tinh thần? Và nếu tác động của con vào môi trường mang tính tiêu cực, thì chính con, chứ không phải ai khác, sẽ nhận lãnh hậu quả của hành động tiêu cực đó. Con hiểu như vậy có đúng không ạ?
_ Hoàn toàn đúng! Tất nhiên, có những hậu quả mà người nhận lãnh trực tiếp sẽ là các thế hệ con cháu của con chứ không phải con. Thế nhưng, sự đau khổ phát sinh khi con nhận biết được điều đó vẫn là một kiểu hậu quả gián tiếp mà con phải nhận lãnh.
_ Nam mô Phật, con hiểu là, theo đạo lý Duyên khởi, sự đời vay trả - trả vay là một sự tất yếu, một cơ chế hoàn toàn tự động, không thể mong chờ ở các quyền lực siêu nhiên ban phát cho, cũng không thể tránh né một khi đã phạm sai lầm. Điều đó đúng hay sai ạ?
_ Con đã hỏi đến câu hỏi thứ tư, ta không thể trả lời con! Con hãy gọi ba lần “Ông tổ dưa hấu” để gặp người có thể giải đáp cho con.
Tôi làm theo lời Đức Phật thì quả nhiên, tượng Phật biến mất như tan vào trong không khí, như để khẳng định lại một lần nữa: vạn vật không có gì là chắc thật mà tất cả đều là sự giả hợp, có sinh có diệt, có đến có đi. Thay vào chỗ của tượng Phật trên bàn thờ là tượng của một người đang ngồi trên một chiếc thuyền chở đầy dưa hấu, vẻ mặt vui tươi rạng rỡ.
_ Dạ, con xin kính chào cụ tổ Mai An Tiêm – Tôi cúi người xá một xá hết sức thành kính.
_ Chào con, lần sau con có gọi ta thì nhớ gọi từ từ, chứ không thôi ta bị lật xuồng, đổ hết dưa hấu xuống biển thì lấy ai bồi thường cho ta?
_ Xin cho con mạn phép hỏi, sao cụ tổ không mua bảo hiểm?
_ Trời đất, thời ta làm gì có bảo hiểm. Mà con gọi ta đến đây có việc gì? Hay là con mời ta mua bảo hiểm nhân thọ?
_ Dạ, không phải đâu ạ… - Tôi bèn hỏi lại câu hỏi ban nãy đã hỏi Đức Phật.
_ Đúng, rất đúng. Chắc là con còn nhớ câu nói xưa lắc của ta: “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Phàm trên đời này, bất cứ thứ gì có vay đều phải có trả. Bởi vì, nếu không trả thì tỷ số nợ sẽ lên cao, mà nợ cao thì dẫn đến nguy cơ phá sản, mà phá sản thì sẽ tạo ra tác động đô mi nô dẫn đến khủng hoảng tài chính, khủng hoảng tài chính sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, mà khủng hoảng kinh tế với khủng hoảng xã hội khoảng cách không bao xa. Nói tóm lại, có vay mà không có trả thì sẽ… có loạn. Do đó, các con phải cố mà phát huy cái nội lực của bản thân. Cứ bắt chước ta thử xem: đầu tiên phải huy động năng lực sáng tạo để có sản phẩm mới (như ta phát hiện ra giống dưa hấu vậy mà); rồi phải biết dựa vào những gì sẵn có trong tay (mà các ngươi hay gọi là lợi thế so sánh, còn với ta đó là đất, nước và phân chim ta đã dùng trên đảo); lại phải biết đoàn kết nhân tâm (giống như ta đã an ủi, động viên vợ con ta) để cho tất cả đều vì một mục tiêu chung (mục tiêu sống còn và báo đáp vua cha). Nếu các ngươi làm được như vậy thì không có lý do gì mà không tạo được một sự nghiệp để đời, gây dựng được thế đứng mới cho giống nòi Việt Nam trên trường quốc tế.
_ Đối với hoàn cảnh chúng con hiện nay thì sản phẩm mới, có lợi thế so sánh có thể là những gì? Xin cụ cho mấy lời khuyên.
_ Ôi, ta vội lắm! Ta phải đi giao ngay mớ dưa hấu này thôi. Nếu trễ hẹn thì mất uy tín ta hết. Chúng nó tuy không phạt hợp đồng ta, nhưng chúng không thèm ăn dưa hấu của ta nữa mà chuyển qua ăn dưa hấu Trung Quốc thì ta lấy gì mà sống! Thôi, câu đó con làm ơn hỏi cụ Lang Liêu nghe, con cứ gọi “Ông tổ bánh chưng” tất sẽ gặp ngay thôi.
Nói rồi cụ Mai An Tiêm và chiếc thuyền cũng biến mất như Đức Phật. Tôi bèn gọi cụ Lang Liêu. Cũng đúng ba lần thì cụ Lang Liêu hiện ra, một tay cầm một cái bánh chưng, tay kia cầm loa giấy. Cụ đứng bất động mà tôi nghe tiếng cụ rõ mồn một:
_ Xin giới thiệu với quý vị, đây là sản phẩm độc đáo của đất nước chúng tôi: đó là bánh chưng. Đây là một loại bánh có nguồn gốc thiên nhiên một trăm phần trăm, bảo đảm không có đi ô xin, hóc môn kích thích tăng trưởng cũng như dư lượng thuốc trừ sâu, phân hoá học trong sản phẩm. Toàn bộ nguyên liệu sử dụng đều không phải là thực phẩm biến đổi gien hay có nguồn gốc sinh sản vô tính. Bánh lại có khả năng tự bảo quản lâu nhờ vào lớp bao bì tuyệt diệu của chúng tôi: lá dong. Loại bao bì này có khả năng ngăn ngừa rất tốt sự xâm nhập và phát triển của các loại vi khuẩn trên bánh, nhưng lại có khả năng tự phân huỷ tốt khi thải loại nên rất thân thiện với môi trường. Hơn nữa, các thành phần bên trong bánh lại tích tụ và cân bằng được khí âm, khí dương rất tốt cho sức khoẻ theo quan niệm dinh dưỡng phương Đông…
_ Dạ, con kính chào cụ Lang Liêu – tôi cảm thấy cần phải nhắc nhở cụ về sự có mặt của mình, chứ nếu không, với sự say sưa của cụ, không biết đến khi nào tôi mới có thể được thọ giáo cụ.
_ Ai chào ta đó, ngươi hả, hậu sinh ơi là hậu sinh, ngươi có biết là ta sắp thuyết phục được bạn hàng mới hay không? Sao lại gọi giật ta như vậy?
_ Dạ, con thật đắc tội. Nhưng xin cụ cho con hỏi, cụ đã làm vua rồi, sao lại còn phải đích thân đi tiếp thị bánh chưng như vậy?
_ Hà hà,… Vậy là ngươi chưa thấu hiểu hết cái đạo “Vô ngã” rồi. Không có dân thì vua không thể là vua được. Ta có khả năng làm vua chẳng qua là vì ta có nhiều điều kiện và nhiều cơ hội để tiếp thu cái ý nghĩa, nhiệm vụ và công việc cụ thể của một vị vua hơn kẻ khác mà thôi. Ta hoàn toàn không phải làm được vua do ta là một kẻ siêu phàm, hơn người “từ trong bản thể”. Đương nhiên, ta đáng được kính trọng với tư cách một vị vua, nhưng ngươi phải hiểu rằng sự kính trọng đó chính là dành cho quá trình ta đã đổ mồ hôi sôi nước mắt tiếp cận thấu hiểu vai trò của một ông vua. Nếu ngươi nghĩ sự kính trọng đó là dành cho địa vị vua mà ta đã đạt được thì đó hoàn toàn là một quan điểm sai lầm. Do đó, ta quan niệm kẻ làm vua quan không nên tự đề cao mình vượt quá cái vai trò thực sự của anh ta trong xã hội, để rồi tự biến mình thành một kẻ ăn trên ngồi trốc, mà, phải nhận thức cho được trách nhiệm của kẻ làm vua quan là phải thu phục cho được nhân tâm, tập hợp cho được sức dân để cùng nhau phấn đấu vì một mục tiêu chung của dân tộc, mục tiêu dân giàu nước mạnh.
Công việc của ta mà ngươi thấy vừa rồi (phải gọi chính xác là xúc tiến thương mại hay tìm kiếm thị trường) chính là một sự hỗ trợ đối với những người sản xuất, mà theo ta, cũng là một phần trách nhiệm của kẻ làm vua.
_ Con xin hỏi, để có được sản phẩm bánh chưng có sức cạnh tranh tốt như vậy (vì cụ đã chiến thắng tất cả anh em để được lên làm vua), cụ đã làm như thế nào?
_ Bí quyết của ta cũng đơn giản thôi, và ta nghĩ các ngươi bây giờ cũng có thể áp dụng được. Đó là phải tổ hợp được những cái mới từ những cái cũ, cái sẵn có. Ví dụ như, các ngươi có thể ép chân không món bánh chưng của ta để xuất khẩu khắp nơi trên thế giới như là một thứ đặc sản của đất nước Việt Nam. Rồi… trước xu hướng kiêng ăn chất béo động vật, sao chúng ta không thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm như sữa đậu nành, bơ đậu phộng, phô mai dừa? Vấn đề là phải phát huy óc sáng tạo, vốn là “lợi thế so sánh” của dân tộc ta nhưng lại chưa được quan tâm khai thác đúng mức. Cũng chính vì chưa được khai thác tốt cho nên sự ham thích sáng tạo của dân ta đã bị biến tướng một cách tự phát thành những kiểu khôn lõi rất nguy hiểm cho sự phát triển của xã hội…
Ái chà, nãy giờ mất thời giờ với ngươi quá, ta đi đây, còn biết bao nhiêu là việc phải làm!
Nói xong, Hùng Vương thứ bảy cũng biến mất. Bàn thờ bây giờ trống trơn. Tôi tự hỏi không biết nãy giờ tôi tỉnh hay mơ? Những hiền nhân mà tôi được hầu chuyện tại sao cứ đến rồi lại đi? Mà, các vị hình như đều đến sau khi tôi đọc ba lần một câu “thần chú” nào đó? Óc duy vật trấn tỉnh tôi rằng hình như tôi đang ở trong một ngôi chùa của… tương lai, nơi mà người hành lễ có thể tương tác với một hệ thống xử lý đặc biệt để có thể tự chăm sóc cho phần tâm linh của mình. Trên bàn thờ, hai cây nến vẫn tiếp tục cháy, lung linh, huyền ảo trong khi ba nén hương đã cháy được một nửa. Tôi chợt nghĩ: “Hay là… thời gian cháy của ba nén hương chính là thời gian dành cho mình tiếp xúc với các vị thánh nhân. Vậy là mình còn một nửa thời gian để gặp các vị thánh nhân khác!”. Nhưng mà, tôi không biết “thần chú” để xin gặp các vị khác là gì? Đành phải thử vậy:
_ Ông tổ thủy lợi!… - Tôi gọi ba lần nhưng không thấy cụ Sơn Tinh đâu.
Vậy là không đúng “thần chú” rồi, nhưng mà nếu thử nhiều lần tôi sợ sẽ làm kinh động chốn tôn nghiêm. Đang bối rối và tiếc nuối cơ hội gặp mặt quý giá đang dần trôi qua, tôi bỗng nghe tiếng hát văng vẳng:
_ Cũng đành… xin làm người hát rong… chỉ mong đời không chê trách… chỉ mong chuyến xe muộn màng… không dừng sớm khi đang rong chơi…
Rồi tôi lại trông thấy trên bàn thờ xuất hiện hình ảnh một ông già mù đang chống gậy trúc.
_ Dạ, con xin kính chào cụ – Tôi vái một vái dài.
_ Ai đó? Ai chào ta đó?
_ Dạ, con là đứa hậu sinh. Cụ cho con hỏi, cụ có phải là người hát rong, thường đi khắp nơi kêu gọi mọi người phải có lòng trung quân ái quốc phải không ạ?
_ Thà… đui… mà giữ… đạo nhà…
Còn hơn có mắt… ông cha không thờ…
_ Dạ, theo con biết thì công việc của cụ rất thầm lặng, ngay cả tên tuổi cũng không được lưu danh sử sách. Vậy thì, đâu là động lực để cụ thực hiện rất tốt công việc của mình?
_ Trải… qua… bao cuộc… bể dâu…
Những điều trông thấy… mà đau… đớn lòng…
_ Dạ, con biết được cụ là người đi nhiều hiểu nhiều, vậy theo cụ, đâu là điểm chung nhất của dân Nam ta?
_ Dù… ai… đi ngược… về xuôi…
Nhớ ngày giỗ tổ… mùng mười… tháng ba…
_ Dạ, còn đối với thế hệ trẻ chúng con, cụ căn dặn câu gì ạ?
_ Thiện… nhân… ở tại… lòng ta…
Chữ Tâm kia mới… bằng ba… chữ Tài…
_ Dạ, xin cho con hỏi câu cuối, muốn gặp các vị hiền nhân khác, con phải gọi như thế nào?
_ Việc đó thì dễ thôi. Muốn gặp Thánh Gióng, con hãy gọi “Phù Đổng Thiên Vương”. Muốn gặp Chữ Đồng Tử và Tiên Dung, con hãy gọi “Ông bà Hạnh phúc”. Muốn gặp Sơn Tinh, con hãy gọi “Ông trưởng ban Phòng chống lụt bão”. Ta đi đây, còn nhiều nơi đang rất cần ta.
Nói rồi, ông lão hát rong ra đi trong chớp mắt. Tôi gọi “Ông trưởng ban Phòng chống lụt bão” đúng ba lần thì một người đang cầm một tờ giấy, vẻ mặt lo lắng, hiện ra. Tôi vừa chào xong thì lập tức nghe hỏi:
_ Này, tên kia, người sống thời nào vậy?
_ Dạ, con đang sống ở năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi.
_ Vậy hả? Vậy là… nếu ngươi sống hết năm nay thì ngươi sẽ trở thành người của thế kỷ hai mươi mốt chứ gì?
_ Dạ, đúng.
_ Vậy thì, nhờ ngươi chuyển dùm ta bản dự báo thời tiết này đến cho người đồng nhiệm của ta ở thế kỷ hai mươi mốt. Đây là bản dự báo của Trình quốc công Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm mà bưu điện vũ trụ đã chuyển nhầm cho ta. Thời tiết khí hậu thế kỷ hai mươi mốt coi bộ lộn xộn dữ… Không biết chừng nào các ngươi mới chịu từ bỏ lòng tham vô độ và lòng kiêu hãnh vô lý để có thể sống hòa đồng với thiên nhiên được…
Ta quên mất, ta không nhúc nhích được, nên không thể đưa cho ngươi bản kế hoạch được. Thôi, ngươi cứ cho ta số fax của người đồng nhiệm đi, ta sẽ gửi thẳng cho ông ta.
_ Dạ, cái đó con cũng không rõ, xin cụ liên hệ với Đài 116 thì tất sẽ biết được chính xác số fax.
_ Ô kê con gà đen, ta đi đây!
Sau đó, cụ Sơn Tinh vội vàng biến mất, không kịp cho tôi hỏi han điều gì. Chán quá, tôi bèn gọi: “Phù Đổng Thiên Vương”.
_ Ai kêu ta đó, ai kêu ta đó? – Thánh Gióng hiện ra. Trông Người không khác lắm so với tượng Người ở Ngã Sáu Phù Đổng.
_ Dạ, con xin kính chào đức Phù Đổng Thiên Vương.
_ Tên kia, nước có giặc hay sao mà kêu ta gấp vậy?
_ Dạ, thưa không. Đất nước vẫn hết sức bình yên. Con chỉ muốn được rõ ý của Người về một số vấn đề hiện đại mà thôi.
_ Được, ngươi cứ hỏi!
_ Dạ, con được biết, cụ là người thành đạt từ khi còn rất nhỏ, cụ đã làm được một việc rất lớn khi mới lên ba, là đánh đuổi được giặc xâm lăng. Vậy, con xin hỏi cụ, bí quyết nào để cụ làm được việc đó?
_ Chẳng có bí quyết gì ráo. Nếu ngươi được sinh ra trong một khung cảnh thấm đẫm tinh thần dân tộc như ta, được nghe lời ru của mẹ như ta đã được nghe, được cảm nhận sự trông chờ, tin tưởng của các thế hệ đi trước đối với ta thì chắc chắn ngươi cũng làm được việc lớn như ta mà thôi.
_ Vậy thì chúng con phải làm sao để có được sự tin tưởng của các thế hệ đi trước?
_ Trước hết, các ngươi phải tích luỹ năng lực cho bản thân thật tốt (giống như ta phải ăn thật nhiều để lớn nhanh như thổi ấy mà). Sau đó, các ngươi phải dám can đảm nhận lãnh trọng trách về phần mình (giống như ta dám bảo mẹ kêu sứ giả của vua vậy). Rồi, các ngươi còn phải biết yêu cầu những gì cần thiết cho các ngươi để hoàn thành tốt nhiệm vụ (giống như ta yêu cầu ngựa sắt, áo giáp sắt và roi sắt). Khi đã bắt đầu công việc, ngươi phải thực hiện cho kỳ được thì mới có thể giữ được uy tín cho các thế hệ trẻ sau này. Để có thể thực hiện bằng được nhiệm vụ như ta nói, các ngươi phải hết sức gắn bó với các nguồn lực sẵn có của đất nước (theo kiểu ta nhổ bụi tre làm vũ khí ấy), dựa vào các nguồn lực này để đạt được thành công sau cùng, bởi vì các phương tiện cần thiết mà các ngươi đã yêu cầu ban đầu là không đủ…
_ Dạ, con vô cùng cảm ơn cụ.
_ Ta đi đây!…
_ Dạ, kính chào cụ.
Nhìn lên bàn thờ thấy nhang đã gần tàn. Tôi mau chóng gọi “Ông bà Hạnh phúc”. Lập tức hai ông bà hiện ra. Cụ ông mang gậy trúc, trong khi cụ bà đội nón lá. Mắt hai cụ cùng nhìn đăm đăm về một hướng. Sau khi hành lễ ra mắt hai cụ, tôi hỏi:
_ Dạ, xin cho con hỏi, hai cụ đang đi đâu đấy ạ?
_ Chúng ta đang trên đường tuỳ duyên hoá đạo, truyền bá con đường đến với hạnh phúc cho mọi người - cụ Chữ Đồng Tử nói.
_ Hai cụ đã đắc đạo, đã giác ngộ được chân hạnh phúc. Vậy con xin hỏi, con phải chọn vợ như thế nào để có được hạnh phúc?
_ Này con, hãy nghe ta nói, bí quyết của hạnh phúc không nằm ở sự chọn lựa đối tượng vào cái thuở ban đầu tìm đến với nhau mà nằm ở sự thông hiểu khi đã cùng nhau chung sống. Ta nhắc lại, đó là sự thông hiểu. Con người ta sinh ra ai cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Chỉ có sự thông hiểu mới giúp chúng ta nắm rõ được những ưu và nhược của người bạn đời để rồi định ra được cách sống thích hợp để dần dần phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm của nhau và giúp nhau cùng tiến bộ. Có được sự thông hiểu, vợ chồng mới thực sự là nơi nương tựa của nhau trong cuộc sống, mới cùng nhau đi hết con đường đời đầy chông gai, bất trắc.
Giọng của cụ bà Tiên Dung thật ấm áp, tôi cứ ngỡ mình đang được một vị Phật bà chỉ giáo. Nhang đã cháy đến mẩu cuối cùng, chia tay hai vị rồi tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng họ hát: “…Yêu thương nhau… đời còn dài… luôn bên nhau… đường còn xa… Vẫn nồng ấm nhựa sống trong lòng ta… Vẫn còn mãi tình nghĩa bao ngày qua… Qua gian lao nên tình đậm đà…”.
Kỳ lạ làm sao, khi nhang tắt, hai ngọn nến cũng lụi dần mặc dù vẫn chưa cháy hết sáp. Không gian tối đen như mực và một giọng nói thánh thót vang lên trong tiếng nhạc “Lên chùa bẻ một cành sen”:
_ Chương trình “Lên chùa” đến đây là kết thúc. Nhóm Sao Đêm xin chân thành cảm ơn quý khách đã sử dụng chương trình của chúng tôi. Vì đây là chương trình thử nghiệm nên không tránh khỏi nhiều sai sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của quý khách hàng. Thư cho chúng tôi xin quý khách gửi về địa chỉ…
Tôi không hiểu gì hết. Chùa là nơi tôn nghiêm, cho dù là chùa kỹ thuật cao đi chăng nữa cũng không phải là cái sân khấu để biểu diễn chương trình này nọ, mà lại còn là chương trình thử nghiệm nữa chứ, thiệt hết chỗ nói. Đã vậy còn gọi người đi chùa là khách hàng nữa chứ. Cứ y như cái kiểu “Business Pagoda” (chùa kinh doanh) ở Thái Lan vậy. Bực mình quá, tôi la lên:
_ Tôi chưa muốn kết thúc. Tôi còn có nhiều câu hỏi muốn hỏi các vị tổ tiên nữa. Hãy cho tôi thêm một ít thời gian nữa.
_ Thôi đi cha, tham vừa thôi. Chỉ có bảy vị mà tụi này đã phải làm việc cật lực cả năm trời mới hoàn thành đó!
Ủa, sao lạ vậy? Tiếng trả lời lần này nghe không dội dội, vang vang nữa mà nghe như người nói đang ở bên cạnh tôi vậy. Tôi lại cảm thấy hai bàn tay chụp lên đầu mình, giật mạnh. Và,… tôi lại thấy được ánh sáng, một thứ ánh sáng chói mắt, cứ như là tôi vừa bước từ trong bóng tối ra vậy. Khi mắt đã quen dần thì thứ đầu tiên mà tôi nhìn thấy là… cái mặt thằng Misa (mắt nó nheo nheo, miệng nó cười cười):
_ Sao mậy? Tham quan chùa ảo mày thấy thế nào? Tác phẩm đầu tay của tụi tao đó.
_ Chùa ảo? Nhóm tụi mày? – Tôi nhìn kỹ lại cái thứ tôi đã đeo trên đầu nãy giờ mà không biết, thì ra là một bộ màn hình ba chiều thực tế ảo kèm hai loa tai áp sát – Hoá ra tụi mày sử dụng tao làm vật thí nghiệm?
_ Gì mà dữ vậy? Tao chỉ mời mày xem thử rồi cho biết ý kiến thôi mà!
_ Sao mày mời kiểu gì mà tao không hay biết gì hết?
_ Thì… tao muốn gây bất ngờ cho mày nên tao… đã xin phép gia đình mày đeo cho mày cái máy vào lúc ngủ.
_ Vậy thì được!
_ Tao đang sốt ruột chờ nghe ý mày…
_ Ờ, nói chung là tuyệt, tuy có vài chỗ tương tác còn hơi cứng. Phần trang trí còn hơi đơn điệu. Nếu nhân vật cử động được chút ít thì hay hơn nhiều…


Mai Quang Huy - 2000

2 nhận xét:

Mai Quang Huy nói...

(từ Thắng)
Dài quá nhưng may mà hấp dẫn. Đúng là một ý tưởng hay nhưng công nghệ quá !
(31/08/2008)

Mai Quang Huy nói...

(từ COC)
Ái chà! Thú vị. :D
(29/09/2008)