Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

Thần tượng Đặng Thùy Trâm

Đừng đốt: kể mà như không kể


TT - Giai điệu
Bài ca hi vọng được cất lên bởi giọng hát trong trẻo, cao vút của diễn viên Minh Hương, cùng hình ảnh con đường dài phía trước là một kết thúc đầy ấn tượng cho Ðừng đốt - bộ phim về nữ anh hùng Ðặng Thùy Trâm của đạo diễn Ðặng Nhật Minh. Nói về chiến tranh, về cái chết nhưng phim không nhuốm màu bi lụy mà sáng lên một niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai.
Khác với suy đoán của nhiều người,
Ðừng đốt không phải là một bộ phim về những khốc liệt của chiến tranh, cũng không dựng lại cuộc sống của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm nhằm thần tượng hóa một vị anh hùng. Phim là sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ để từ đó hiện lên một Thùy Trâm dưới những góc nhìn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, không gian khác nhau. Cái tài của Ðặng Nhật Minh là kể mà như không kể, không "lên gân lên cốt", không khẩu hiệu, giáo điều. Ông giống như một họa sĩ tài ba, chỉ bằng vài ba nét phác thảo đã có thể làm nên một bức tranh sống động với đầy đủ cung bậc tình cảm.
Ðừng đốt được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 29-4 nhân Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể thấy trước đề tài bộ phim khó lòng là lựa chọn của những cặp tình nhân đến rạp để giải trí. Tuy nhiên, nội dung và thông điệp của bộ phim lại phù hợp với những đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, những người tham gia công tác Ðoàn - Ðội... Vì thế, nếu nhà sản xuất tính đến chuyện bắt tay với những tổ chức, đoàn thể để chiếu phục vụ tập thể với mức giá vừa phải, bộ phim sẽ đến được với đông đảo khán giả hơn.

KIM VÂN

Ở khu vực phía Nam, bộ phim nhựa do NSND Ðặng Nhật Minh chuyển thể và làm đạo diễn từ Nhật ký Ðặng Thùy Trâm mang tên Ðừng đốt sẽ chính thức chiếu các rạp ở TP.HCM, Ðắc Lắc, Cần Thơ từ ngày 29-4, mở màn cho đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30-4, 1-5, 7-5, 19-5. Sau đó, bộ phim này sẽ lần lượt đến các địa phương khác để chiếu phục vụ đông đảo người dân. Các rạp chiếu phim này tại TP.HCM gồm Fafilm, cụm rạp Tân Sơn Nhất, cụm rạp Megastar HV, Lotte Cinema.

H.LÊ

Kính gửi quý báo Tuổi Trẻ,
Tối 29/04, tôi và vợ cùng đến rạp MegaStar để xem phim về bác sĩ Đặng Thụy Trâm. Cả phòng chiếu, ngoài vợ chồng tôi, chỉ có thêm một bác khoảng 70 tuổi. Vợ tôi đến rạp xem theo đề nghị của tôi, mà không dám đặt kỳ vọng, vì đã nhiều lần thất vọng với phim VN chiếu Tết. Tôi thì tin, dù không quá chắc chắn, rằng tình người - tính nhân bản vốn là thế mạnh của người Việt Nam, nên phim về bác sĩ Thùy không thể không hay.
Là những người thường xuyên xem phim tại rạp MegaStar để tận hưởng tối đa những hiệu ứng đầy đủ của điện ảnh, sau khi xem xong, vợ chồng tôi đều cùng thống nhất rằng đây là một phim hay, tạo được rung cảm, sự đồng cảm sâu sắc về thân phận khắc nghiệt vả niềm tin mãnh liệt của con người vào lương tri và phẩm giá. Đó hoàn toàn là một phim đáng giá và đáng xem!
Giới trẻ luôn có nhu cầu về thần tượng, những người mà họ có thể đặt niềm tin vào đó, để có thể tiếp tục sống, và sống tốt. Và bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một người như vậy, gần gũi mà cao cả thiêng liêng, một sức sống có thể khơi dậy cả một thế hệ người Việt trẻ. Đến với cô, nam thanh nữ tú có thể nhận ra được sức mạnh văn hóa đang chảy cuồn cuộn trong dòng máu của chính mình, nhờ đó mà mạnh dạn dấn thân vì sự nghiệp chung của dân tộc.
Sau khi xem phim ra, tôi làm quen với bác khác giả cùng xem với mình thì được bác nói ngay: báo Tuổi Trẻ nhăng nhít quá, phim hay thế mà lại bảo là không dành cho các cặp tình nhân. Báo Tuổi Trẻ ơi! Xin đừng cô lập thần tượng Đặng Thùy Trâm khỏi giới trẻ! Tôi xin quý báo đấy!
Trân trọng.
Mai Quang Huy

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Âm nhạc - tiếng nói chung của loài người

Dorogoi dlinnoyu

Those Were The Days

Esos fueron los dias

Tình ca du mục

Leningrad cowboys - Those were the days


Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Thuyết Tiến hóa rộng (cộng đồng người: mâu thuẫn và chân lý, mô hình chân lý ba ngôi)


Xã hội của loài người là một xã hội đầy rẫy những sai lầm mâu thuẫn: "con người không thể tránh sai lầm, chỉ có thần thánh mới hoàn hảo", "chúng ta là con người, chứ không phải là những cái máy", "đời là bể khổ", "trần gian là chốn trần ai, trần tục". Trong khi đó, chân lý vĩnh hằng mãi mãi vẫn tồn tại, mãi mãi không thay đổi theo thời gian và vận hành mọi vật, mọi việc, nhưng cái chân lý đó lại nằm ngoài khả năng nắm bắt của con người. Chúng ta chỉ có thể quan sát được những gì mà chân lý biểu hiện ra bên ngoài, chứ không thể hiểu được chính xác và trọn vẹn chân lý là gì. Bởi vì thực tiễn mang tính hỗn độn, nên biểu hiện của chân lý, dưới sự quan sát của con người, có vẻ như không thống nhất (vô thường), và rất khó nắm bắt (vô ngã). Tuy nhiên, càng gần chân lý hơn, chúng ta sẽ càng hành động hợp lý hơn và nhận được kết quả tốt hơn. Nếu xa rời nó, hay chối bỏ nó, chúng ta sẽ phạm sai lầm và gây ra những hậu quả xấu.

Sở dĩ chúng ta có thể phát hiện ra được sự tồn tại của chân lý, cũng như những sai lầm của bản thân mình, là nhờ vào cơ chế vận hành của sự mâu thuẫn:
  • Chúng ta có một hành động nào đó, là bởi vì chúng ta nghĩ rằng nó phù hợp, rằng đó là việc phải làm. Tuy nhiên, khi hành động đó dẫn tới một kết quả không mong muốn, chúng ta sẽ suy nghĩ về nó để tìm cách điều chỉnh cho hành động lần sau, trong một hoàn cảnh tương tự. Đó chính là mâu thuẫn ở cấp độ thấp nhất, mà thông thường tất cả chúng ta đều có thể tự xử lý được.
  • Khi hoàn cảnh không đổi, và hành động được lặp đi lặp lại, chúng ta sẽ có được thói quen. Khi hành động theo thói quen, nếu hoàn cảnh không còn được giữ nguyên như trước, đôi khi hành động được thực hiện sẽ lại gây hậu quả. Khi đó, mâu thuẫn sẽ xuất hiện ở một mức độ phức tạp hơn, đòi hỏi chủ thể xem xét lại không phải một hành động đơn lẻ, mà phải là một chuỗi hành động đã hình thành nên thói quen đó.
  • Cách mà một người quan tâm xử lý các vấn đề phát sinh từ những thói quen của mình, trong một giai đoạn của cuộc đời, sẽ định hình ở người đó một nhân sinh quan về cuộc sống, một tính cách. Khi môi trường xung quanh thay đổi (thường là do độ tuổi của chủ thể), người đó sẽ phát hiện ra sự không ổn của tính cách đã được hình thành trước đó, và có những quyết định và những nỗ lực điều chỉnh hành động và thói quen, để lấy lại sự quân bình trong cuộc sống.
  • Tất cả các giai đoạn tính cách, tất cả các thói quen được hình thành, tất cả các hành động mà một người đã thực hiện trong cuộc đời của mình, sẽ quyết định số phận của người đó vào lúc cuối đời: có thấy cuộc đời của mình là đáng sống hay không, có thể cười mãn nguyện và thanh thản ra đi hay không, có thể yên tâm về những người kế thừa của mình hay không. Nếu một người ra đi không thanh thản, gia tài để lại chắc chắn sẽ rất nặng nề, và chắc chắn con cháu của người đó sẽ phải đối diện với những sự mâu thuẫn có độ phức tạp cao nhất, mà vì sự tồn tại và phát triển của đời sau, họ có trách nhiệm phải đối diện và giải quyết.
Thói quen, tính cách, hay số phận là những khái niệm tồn tại bên trong ý thức con người, mà tôi gọi là cái đúng bên trong, gắn với hệ thần kinh và hệ sinh dục. Hành động của con người được dẫn dắt bởi cái đúng bên trong đó, nhưng lại diễn ra trong một môi trường hoàn toàn khác, nằm ngoài ý thức của con người, đó chính là vật chất, hay tôi gọi là cái đúng bên ngoài. Để tiệm cận được với chân lý, cái đúng bên trong bắt buộc phải tương tác với và chịu ràng buộc bởi cái đúng bên ngoài. Và theo quan điểm của tôi, chúng ta bắt buộc phải tôn trọng cả cái đúng bên trong, lẫn cái đúng bên ngoài. Thiếu cái đúng bên trong, chúng ta là những kẻ không tôn trọng quá khứ, và sẽ trở thành những kẻ mơ hồ, mất định hướng. Không quan tâm đến cái đúng bên ngoài, chúng ta là những kẻ chối bỏ thực tại, chỉ còn biết mơ mộng viễn vông.

Như vậy là, để tránh đau khổ và có được hạnh phúc, chúng ta phải tìm cách đến gần với chân lý. Muốn gần chân lý, chúng ta phải tránh sai lầm. Muốn tránh sai lầm, chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn, từ thấp đến cao. Quá trình giải quyết mâu thuẫn diễn ra trong mối tương quan giữa ý thức và vật chất, giữa "cái đúng bên trong" và "cái đúng bên ngoài". Và, lịch sử loài người đã chứng minh là chúng ta đều đã tiến hóa theo quy luật đó. Khác biệt có chăng, là do cách chúng ta hình dung về chân lý không giống nhau, dẫn đến những phương pháp giải quyết mâu thuẫn rất khác nhau: cách của những người Hy Lạp, cách của những người La Mã, cách của tín đồ Thiên Chúa giáo, cách của tín đồ Hồi giáo, cách của vua chúa phong kiến, cách của những nhà công nghiệp, cách của những nhà đầu tư tài chính, cách của những người phát xít, cách của những người cộng sản, cách của những người Đông Á, cách của những người Nam Á, cách của những người Mỹ La tinh,… Phương pháp giải quyết mâu thuẫn khác sẽ dẫn đến cách thức tiến hóa cũng khác. Và cũng như các loài khác trong thế giới động vật, sự khác biệt trong cách tiến hóa của loài người cũng dẫn loài người đến một trong hai lựa chọn: hoặc diễn ra sự tách loài và hình thành những loài mới, hoặc dàn xếp với nhau để lại có được sự thống nhất. Và, thật đáng ngạc nhiên là, cho đến giờ phút này, loài người đã chọn các giải pháp duy trì sự thống nhất. Còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, để đạt được sự thống nhất trong quá trình tiến hóa, chiến tranh vẫn là giải pháp chính mà con người lựa chọn, để dập tắt sự khác biệt.
__________*__________
Tác giả bài viết này, sau khi xem xét những cách mà con người hình dung ra chân lý, thấy rằng chúng ta nên tập hợp chúng vào các nhóm chính, nhằm làm cho các nỗ lực tiếp cận chân lý hướng chính xác vào mục tiêu hơn, hạn chế bớt các sai lầm có thể xảy ra, giải quyết các mâu thuẫn triệt để hơn, và làm cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn. Cách tiếp cận của tôi là đi tìm các sự thật hiển nhiên mà ai cũng có thể chấp nhận, nhưng các sự thật đó lại mâu thuẫn với nhau, một cách cũng hiển nhiên không kém.

Bài toán đầu tiên làm tôi nghi ngờ sự hiện hữu của chân lý, được tôi ghi nhận lại khi đang lúi húi cùng dòng xe hai bánh gắn máy vượt qua các đoạn đường hẹp do lô cốt. Tôi chợt nhớ ra rằng, kết quả nghiên cứu của vật lý học cho biết: tốc độ chuyển động của dòng chảy chất lỏng tại những đoạn eo thắt thì nhanh hơn là những đoạn khác. Tôi cũng nhớ rằng, theo nghiên cứu của phong thủy phương Đông, thì dòng lưu thông của xe cộ cũng tương đương với dòng chảy chất lỏng, dưới ý nghĩa của "luồng" hay "mạch". Và, thực tế mà tôi chứng kiến lại cho một kết luận khác: tại đoạn theo thắt, tất cả các xe đều giảm tốc độ, còn gần bằng không, rồi từng xe một ì ạch vượt qua, tức là không những không nhanh hơn, mà còn chậm hơn rất nhiều.

Bài toán thứ hai có thể được chứng kiến ở sàn chứng khoán. Vật lý tìm ra quy luật rằng: mặt ngang của chất lỏng trong các bình chứa luôn có khuynh hướng trở về trạng thái ngang bằng nhau, miễn là các bình chứa đó có chỗ thông nhau. Kinh tế học lại cho biết thị trường chứng khoán chính là nơi khơi thông mọi nguồn vốn cho đời sống kinh tế của con người, rằng đó là một hình ảnh cụ thể nhất của bàn tay điều chỉnh vô hình, hay là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Tuy nhiên, thực tế vận động của thị trường lại cần chúng ta xem xét thật kỹ lưỡng, vì nó không hoàn toàn tuân thủ theo quy luật trên. Khi có một kênh đầu tư nào đó (như quỹ đầu tư hay nhà đầu tư tài chính lớn) hạ giá bán để có thể bán ra cổ phiếu với số lượng lớn, giá thị trường sẽ bị giảm (ở một mức cao hơn mức kỳ vọng của người bán và thấp hơn mức giá chung của thị trường trước đó). Mức giá giảm, được hình thành sau hành động bán ra đó, một cách tương đối, có thể được gọi là giá bình quân mới. Và phản ứng của thị trường không dừng lại ở đó, nếu giá bình quân mới ở dưới một ngưỡng nào đó (mà dân chứng khoán gọi là phá mốc tâm lý), các kênh đầu tư khác sẽ cảm thấy lo ngại, và cũng tiến hành bán ra, làm cho mức giá chung của thị trường rớt xuống dưới cả mức giá bình quân, tức là thấp hơn nhiều so với mức giá hợp lý phản ánh đúng giá trị thị trường. Trong một số trường hợp đặc biệt, hiệu ứng tâm lý lan tỏa còn có thể làm cho giá thị trường giảm nhanh đến mức có thể làm tê liệt các giao dịch và thậm chí làm sụp đổ cả thị trường. Như vậy, các kênh đầu tư (các bình chứa vốn của thị trường chứng khoán) không những không có ảnh hưởng điều tiết vốn trở về mức giá quân bình khi thị trường có biến động, mà nó càng làm cho sự biến động của thị trường càng trở nên trầm trọng hơn.

Bài toán thứ ba mà tôi nghiên cứu là bài toán Tôi và Chúng ta. Đây là bài toán nhân văn kinh điển mà tôi cho rằng đã làm cho rất nhiều người Việt chúng ta phải trăn trở. Khi chúng ta hành động theo hướng ủng hộ sự khác biệt (của cá thể), sự độc đáo (của cá nhân), sự duy nhất (của tính cách), sự riêng tư (của công dân), sự vượt trội (của chủ thể),… hay nói cách khác, là có động cơ hành động vì cái Tôi, chúng ta sẽ bị lên án là chơi trội, kiêu hãnh, ích kỷ, tham lam, tàn nhẫn,… Ngược lại, khi chúng ta hành động theo hướng ủng hộ sự đồng nhất (của quần thể), sự thống nhất (của tập thể), sự phổ biến (của nhân cách), sự minh bạch (của xã hội), sự tương trợ (của cộng đồng),… hay nói cách khác, là có động cơ hành động vì cái Chúng ta, chúng ta lại cũng sẽ bị lên án là ba phải, hèn nhát, dở hơi, dư máu, bao đồng,… Các hoàn cảnh, các ranh giới, các chuẩn mực mà chúng ta quy định với nhau để áp dụng trong từng trường hợp lại rất không rõ ràng, dễ làm chúng ta lầm tưởng và ngộ nhận, để rồi gây ra sai lầm tai hại cho chính mình và những người xung quanh. Đó lại chỉ mới là tình cảnh mà chúng ta, dù sao đi nữa, vẫn có cách tiếp cận khá là tương đồng với nhau. Khi khác cách tiếp cận, tình cảnh sẽ càng phức tạp và bi đát hơn.
__________*__________
Từ các bài toán gốc có dạng như trên, trên cơ sở xem xét (chưa thấu đáo) đặc trưng của các nền văn hóa cũng như khuynh hướng của các cuộc cách mạng đã từng tồn tại, tôi nhận thấy dưới sự quan sát của con người, chân lý hầu như có 3 bản chất tách biệt, và do đó chúng ta hầu như có 3 cách tiếp cận để đến gần hơn với Thượng đế, Chúa cha, Phật tính, Đạo, Tạo hóa, Sự thật,…

Cái bản chất mà có vẻ gần gũi nhất với chân lý, và cũng là cái mà hầu hết mọi người thường nhầm lẫn với chân lý, đó chính là khoa học, hay là hệ thống các quy luật vận động của tự nhiên được con người tìm ra và ghi nhận lại. Cốt lõi của khoa học chính là tính luận lý, hay còn gọi là tính logic. Nói cách khác, khoa học chính là những kết luận phổ biến mà, thông qua quá trình bảo vệ và phản biện (luận), người ta có thể đồng thuận với nhau về tính đúng đắn và khả năng ứng dụng rộng rãi (). Để thỏa mãn tính luận lý, khoa học phương Tây bắt buộc phải dựa trên cơ sở chứng cứ thực nghiệm, phải đảm bảo một kết luận đã được công nhận trước đó có thể được tái kiểm chứng khi bố trí lại những điều kiện giả thiết tương tự. Chính điều này đã cho chúng ta thấy, mặc dù cách tiếp cận của khoa học là luôn hướng tới chân lý, nhưng bản thân nó chưa bao giờ là chân lý. Những kết luận từ khoa học chỉ có thể đúng trong một phạm vi giới hạn của các điều kiện giả thiết, khi giả thiết thay đổi, khoa học bắt buộc phải mở rộng bài toán để đưa ra được kết luận đúng đắn hơn.
Trong xã hội loài người, những người tiến hóa về mặt luận lý mà chúng ta có thể thấy chính là những nhà khoa học. Trên cùng một con người, tiến hóa luận lý tập trung ở phần đầu (bao gồm bộ não và các giác quan nhìn, nghe, nếm, ngửi). Biểu hiện của tiến hóa luận lý còn được thấy trên gương mặt con người, là phần trán (dưới tóc và trên chân mày). Trong một gia đình, tiến hóa luận lý được hỗ trợ bởi vai trò của người cha. Về mặt triết học, tính luận lý được xác định bởi cặp phạm trù đúng – sai. Dưới góc độ của luận lý, chân lý cho chúng ta thấy một bộ mặt đặc trưng riêng, đó chính là sự chuẩn mực, chính xác, có hệ thống, nguyên tắc, nghiêm ngặt, nghiêm khắc, vô tình và thậm chí tàn nhẫn. Tôi gọi bản chất này của chân lý, với ý nghĩa bao hàm cả các hệ thống luận lý khác ngoài hệ thống khoa học chứng cứ thực nghiệm của phương Tây, là Chân Lý Cha.

Bản chất thứ hai của chân lý, theo tôi, là bản chất cổ xưa nhất mà con người có thể cảm nhận được, đó chính là sự tự do mà tạo hóa đã ban cho mỗi cá thể. Trong cuộc tiến hóa, mỗi cá thể đều phải tự quyết về cách mà nó thích nghi và sống sót khi mà môi trường sống luôn biến động và thay đổi. "Kẻ nào không vì mình thì trời tru đất diệt", chịu trách nhiệm về sự sống còn của bản thân là một bổn phận thiêng liêng của mỗi cá thể, đó chính là quy luật cơ bản mà sự sống đã tuân thủ nghiêm ngặt trong suốt quá trình tiến hóa của sinh giới. Quy luật này, theo tôi, là rất hợp lý và chính xác, khi mà các điều kiện quy định sự sống mang tính chất đa dạng, phức tạp và thay đổi, sự độc lập của các cá thể trong quá trình thích nghi sẽ cho phép sự sống có đủ cơ hội để sống sót và không bị tiêu diệt. Nói cách khác, tự do là nền tảng của quá trình chọn lọc tự nhiên.
Bởi vì tự do tuyệt đối cho mỗi cá thể đồng nghĩa với sự hỗn loạn (tự do tuyệt đối thực ra chưa bao giờ tồn tại, cây cối, sâu bọ, ếch nhái, thú vật, chim muôn và ngay cả con người đều bị giới hạn khả năng thực hiện và mở rộng các mong muốn), tất cả các nền văn minh trên thế giới đều khởi đầu bằng cách thực hiện giáo hóa các cá thể, hòng kiềm chế bớt tự do của mỗi cá thể, giúp cho các cá thể không triệt tiêu nhau (hay là triệt tiêu thành quả của nhau) khi bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, tự do vẫn luôn là động lực mạnh mẽ cho một cuộc cách mạng, khi nền văn minh tồn tại trước đó không tiếp tục bảo trợ cho lợi ích của số đông, tước đoạt tự do của số đông, để mở rộng tự do cho một thiểu số nào đó.
Trong xã hội loài người, những người tiến hóa về mặt tự do mà chúng ta có thể thấy chính là giới chủ, những người vận hành các chủ thể kinh doanh vì lợi ích của chính mình. Trên cùng một con người, tiến hóa tự do tập trung ở phần chân (từ thắt lưng trở xuống). Biểu hiện của tiến hóa tự do còn được thấy trên gương mặt con người, là phần cằm (từ nhân trung trở xuống). Trong một gia đình, tiến hóa tự do được hỗ trợ bởi vai trò của người con. Về mặt triết học, bản chất tự do của chân lý được xác định bởi cặp phạm trù hay – dở. Dưới góc độ của tự do, chân lý cho chúng ta thấy một bộ mặt đặc trưng khác, đó chính là sự vị kỷ, cục bộ, an toàn, đột phá, năng động, sáng tạo, chủ động, linh hoạt, hiệu quả,… Tôi gọi bản chất này của chân lý là Chân Lý Con.

Bản chất thứ ba của chân lý chính là tình thương. Bản chất này, theo tôi, đến từ thực tế con người là một cơ thể sống, nên có một mối dây liên hệ với mỗi một cơ thể sống khác. Môi trường thì khắc nghiệt, sự sống lại quý giá, nên trải qua quá trình tiến hóa, các cá thể sống đã học được điều cơ bản là phải sống dựa vào nhau:
  • Với cha mẹ anh chị em trong một gia đình, mối dây liên hệ đương nhiên là chặt chẽ nhất.
  • Với ông bà và những người bà con họ hàng, mối dây đó lỏng hơn một chút.
  • Với những người mà mình tiếp xúc tại làng xã, khu phố, trường học, nơi làm việc,… mối dây đó lỏng hơn hai chút.
  • Với đồng bào trong cùng một nước, mối dây đó lỏng hơn năm chút.
  • Với người ngoại quốc đồng văn, mối dây đó lỏng hơn mười chút.
  • Với đồng loại con người, mối dây đó lỏng hơn hai mươi chút.
  • Với động vật cùng bộ linh trưởng, mối dây đó lỏng hơn năm mươi chút.
  • Với động vật lớp thú, mối dây đó lỏng hơn sáu mươi chút.
Trong quá trình tiến hóa, tình thương chính là lực cản đối với quá trình tách loài, và theo tôi, không phải chỉ có loài người mới có đặc quyền sở hữu tình thương. Càng tiến hóa hơn, các loài càng có mức độ tiến hóa về tình thương cao hơn, nên quá trình tách loài càng diễn ra khó khăn hơn. Đó chính là lý do mà cho tới giờ phút này, loài người vẫn, gần như tuyệt đối, đồng nhất với nhau. Nhờ tiến hóa cao độ về tình thương, loài người đã cùng nhau đẩy nhanh tốc độ tiến hóa của chính mình, trong các điều kiện sống nhân tạo (được con người tạo ra khi xây dựng các nền văn minh). Tình thương chính là cơ sở cho những lý lẽ kiểu như "quyền lợi của nhiều người thì quan trọng hơn là quyền lợi của một người, hay là ít người", "sống phải biết nghĩ đến anh em, bạn bè, bà con, dòng tộc", "bà con xa không bằng láng giềng gần", "vinh quang thuộc về những người hy sinh vì tổ quốc", "sự nghiệp giải phóng con người là một sự nghiệp cao cả",…
Trong xã hội loài người, những người tiến hóa về tình thương mà chúng ta có thể thấy chính là các thầy tu và những nhà cách mạng, những người luôn mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại. Trên cùng một con người, tiến hóa tình thương tập trung ở phần thân (cổ trở xuống, thắt lưng trở lên). Biểu hiện của tiến hóa tình thương còn được thấy trên gương mặt con người, là phần mũi (dưới chân mày, trên nhân trung). Trong một gia đình, tiến hóa tình thương được hỗ trợ bởi vai trò của người mẹ. Về mặt triết học, bản chất tình thương của chân lý được xác định bởi cặp phạm trù tốt – xấu. Dưới góc độ của tình thương, chân lý cho chúng ta thấy một bộ mặt hoàn toàn khác, đó chính là sự vị tha, bao dung, hy sinh, ổn định, thống nhất, đồng bộ, kế thừa,… Tôi gọi bản chất này của chân lý là Chân Lý Mẹ.
__________*__________
Như vậy là, với hiểu biết của con người hiện đại, chân lý có 3 bản chất, 3 cách biểu hiện, hay cũng có thể nói là chân lý có 3 ngôi thống trị đối với loài người: đúng, hay và tốt. Theo nhìn nhận của phương Tây, đó chính là 3 đặc tính mà chúng ta đã từng nghe nói đến: Chân - Mỹ - Thiện. Đối với đạo Phật, Trí - Dũng - Bi là 3 mảng nhân cách mà một người phải phấn đấu, rèn luyện trong quá trình tìm đến hạnh phúc. Ở Việt Nam, ông bà ta cũng đã tổng kết được rằng: muốn làm người, chúng ta phải làm sao cho đúng, cho hay, và cho tốt. Ngoài ra, trong một nỗ lực hợp nhất 3 ngôi chân lý, ông bà ta còn đưa ra cặp phạm trù trúng - trật để đánh giá con người và sự việc trong mối tương quan với chân lý. Ông bà đã dạy dỗ con cháu phải luôn xem xét đến "tính ý" của "ông Trời" trong từng hành động của mình: "ăn gian Trời hại", "Trời không phụ lòng người", "bỏ phí đồ ăn là có tội với Trời", "người tính không bằng Trời tính",… Đặc biệt, đối với người Việt, "ông Trời" không khó hình dung như trong các nền văn hóa khác: nếu đầu tóc là nơi mỗi người dành riêng cho việc thờ ông bà, thì ông trời có vị trí cao hơn rất nhiều nhưng không hề thua kém về sự gần gũi, đó chính là cái nền cao xanh vời vợi trên đỉnh đầu và bao phủ che chở mỗi chúng ta đến tận nơi mặt đất khuất tầm mắt (đường chân trời). Như vậy là, người Việt chúng ta dù có đi đâu, làm gì, thì cũng luôn được ông bà và ông trời dõi theo, khích lệ khi làm trúng, cảnh báo khi làm trật, trong từng hành động, mọi lúc, mọi nơi.

Quay lại 3 bài toán mà tôi đã đề cập trên đây, tôi sẽ thử dùng mô hình chân lý ba ngôi để lý giải các mâu thuẫn nảy sinh trong các bài toán đó.
Ở bài toán giao thông, các xe hai bánh gắn máy di chuyển trên đường là những phần tử đủ linh hoạt để tạo áp lực lớn tại điểm mà dòng lưu thông bị thu hẹp, và do đó, cũng tương tự như các phần tử trong chất lỏng, các phần tử giao thông này cũng có khuynh hướng tăng tốc độ dòng trên đoạn đường bị thu hẹp tiết diện. Có nghĩa là, chân lý Cha, tùy theo mức độ tiến hóa của từng người, cũng thúc đẩy mỗi người điều khiển xe gắn máy tăng tốc độ tại đoạn lô cốt eo thắt. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra trên thực tế. Ở đây, chân lý Cha đã bị kềm hãm bởi chân lý Con (vốn coi trọng sự an toàn của mỗi cá nhân) và chân lý Mẹ (vốn ngăn cản các hành động gây nguy hại cho người khác).
Ở bài toán chứng khoán, quy luật cân bằng cung cầu cũng là biểu hiện của chân lý Cha mà các nhà đầu tư bắt buộc phải tuân thủ trong các hành động của mình. Tuy nhiên, chân lý Con lại mách bảo rằng "trâu chậm thì uống nước đục", kẻ rút lui sớm khỏi thị trường khi nó đang xuống dốc chẳng những sẽ tránh được thua lỗ, mà còn kiếm được khoản chênh lệch không nhỏ. Do đó, thị trường chứng khoán không những vận hành theo quy luật cung cầu, mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi các suy đoán tâm lý chủ quan của các nhà đầu tư.
Ở bài toán nhân văn, chúng ta thấy hai quan điểm "vị kỷ" (trên nền chân lý Con) và "vị tha" (trên nền chân lý Mẹ) thật ra không đối lập nhau, mà chúng đều là những quy luật cơ bản duy trì và hỗ trợ sự sống. Càng vì mình ở mức độ cao, chúng ta càng đến gần hơn với mọi người (bản thân tôi, gia đình tôi, làng xóm tôi, quê hương tôi, đất nước tôi, hành tinh tôi,…). Ngược lại, càng vì mọi người ở mức cao, chúng ta càng nhận thấy mình có cơ hội sống cao hơn, và nhờ đó cảm thấy hài lòng, hạnh phúc hơn.

Cũng như phần thân nối phần đầu và phần chân, phần mũi nối phần trán và phần cằm, người mẹ kết nối và dung hòa người cha người con, chân lý Mẹ giữ vai trò trung tâm, điều phối nhịp nhàng chân lý Cha chân lý Con. Con người vốn được thúc đẩy bởi động cơ cá nhân vị kỷ, nhưng được giới hạn, hay ràng buộc bởi sự quan tâm lo lắng tới cộng đồng (không muốn làm hại cộng đồng, mà muốn đem lại lợi ích cho cộng đồng), một cách đương nhiên, họ đã tìm cách kiểm soát thiên nhiên và nắm bắt các quy luật vận động của tự nhiên. Tức là, con người đứng trên nền chân lý Con, được bao quanh bởi chân lý Mẹ, nên đã – đang – và sẽ nỗ lực không mệt mỏi để với tới chân lý Cha.
Nếu chân lý Con vận hành trên nền cái đúng bên trong (một cách hoàn toàn chủ quan), chân lý Cha vận hành trên nền cái đúng bên ngoài (một cách tuyệt đối khách quan), thì chân lý Mẹ là những quy luật để mỗi con người chúng ta kết nối cái đúng bên trong với cái đúng bên ngoài, điều hòa và chuyển hóa chân lý Cha thành chân lý Con.
Trong một góc nhìn khác, chân lý Con đặt cá thể vào trung tâm của mục tiêu hành động, trong khi chân lý Mẹ lại đặt tập thể vào trung tâm. Khi mâu thuẫn giữa hai cách tiếp cận này lên đến đỉnh điểm, con người ta sẽ bị lẫn lộn mục tiêu và do đó trở nên mất phương hướng. Chính lúc đó, nếu muốn đạt được sự cân bằng ở một tầm mức mới (tức là có được thành quả tiến hóa), họ bắt buộc phải tìm đến với chân lý Cha, để tỉnh táo xem xét công tâm cân nhắc bản chất và ý nghĩa của mâu thuẫn, từ đó tìm ra giải pháp chuyển hóa chân lý Mẹ thành chân lý Con, và có thể hoàn toàn cảm thấy tự nhiên thoải mái khi hành động mà không sợ bị nói là "hâm" (vì hy sinh bản thân cho tập thể) hay "hèn" (vì đê tiện, chỉ biết có bản thân).
Vì hai lý do trên, nếu một người cố tâm đi sâu nghiên cứu nội tâm của chính mình, anh ta sẽ phải ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, bên cạnh các bản năng hướng vào sự tự do của cá thể (như bản năng ăn - uống - hít - thở, bản năng duy trì nòi giống, bản năng trốn tránh khi gặp nguy hiểm, bản năng chiến đấu khi bị đe dọa, bản năng chiếm hữu nguồn lực,…), anh ta sẽ còn thấy được các bản năng hướng tới cộng đồng (như sở thích trò chuyện với bạn bè, nhu cầu được xã hội công nhận, mong muốn có con ngoan ngoãn học giỏi,…) và cả các bản năng giải quyết các vấn đề khách quan (như bản năng giải toán, bản năng đánh cờ, bản năng chơi nhạc, bản năng đối diện khó khăn, bản năng nói nhiều ngôn ngữ,…). Tức là, con người ta không những thấy thích – khoái – đã – phê khi ăn nhậu, làm tình, chạy trốn, đánh lộn, kiếm tiền, mà họ cũng có những lạc thú như: tán gẫu, thành đạt, làm cha mẹ tốt, giải toán, đánh cờ, chơi nhạc, vượt qua thử thách, khám phá các nền văn hóa,…

Mỗi con người hay mỗi xã hội đều cảm thấy hạnh phúc, khi trong một giai đoạn nào đó, có được sự cân bằng giữa ba thế lực chân lý. Thế nhưng, do thực tiễn luôn vận động biến đổi không ngừng, nên những giai đoạn thái bình thịnh trị như vậy thường không kéo dài. Đó chính là bản chất cân bằng động của tự nhiên: sự cân bằng tại một thời điểm luôn có khuynh hướng bị phá bỏ, để hướng về những mức cân bằng cao hơn.
  • Người Hy Lạp cổ đại, bằng những nỗ lực mạnh mẽ hướng về chân lý Cha, đã là những người châu Âu đầu tiên đặt nền móng cho nền văn minh hiện đại.
  • Những người La Mã đã kế thừa nền tảng chân lý Cha đó của người Hy Lạp, đã triển khai sâu rộng những thành quả khoa học đã đạt được vào cuộc sống của các dân tộc khắp các vùng đất ven bờ Địa Trung Hải. Bằng khát vọng giải phóng con người và những nỗ lực hướng về phía chân lý Mẹ, họ đã đẩy nền văn minh Âu - Ả Rập tiến một bước dài chưa từng có trong lịch sử trước đó. Sự phát triển mạnh mẽ của chân lý Mẹ trong thời kỳ này cũng được minh chứng bằng sự ra đời của chủ nghĩa Lãng mạn khắc kỷ và vị tha.
  • Những người Thiên Chúa giáo đã kế thừa người La Mã bằng cách đẩy chân lý Mẹ về phía cực đoan, phủ nhận chân lý Cha và khống chế chân lý Con, tạo ra thời kỳ trung cổ đen tối. Tuy nhiên, trong chính thời kỳ trung cổ đó, những người Thiên Chúa giàu lòng nhân ái đã lần đầu tiên giáo hóa được các bộ tộc châu Âu man rợ và loạn luân. Nền giáo dục phổ thông, mà Nhà Thờ chủ trì trong một thời gian đủ dài, đã rèn cho người châu Âu sự lịch thiệp cơ bản mà ngày nay chúng ta được chứng kiến. Ngày nay, hình thức giáo dục phổ thông đó cũng được mọi nền văn minh ứng dụng để kiến tạo nền tảng công bằng về cơ hội cho tất cả mọi trẻ em.
  • Hậu quả kéo theo của thời kỳ Thiên Chúa giáo bành trướng phương Tây là sự phân nhánh của hai cách tiếp cận chân lý Con: hoặc đề cao sự tự do vật chất (đi kèm với sự hình thành chế độ chiếm hữu ruộng đất và sự phân chia giai cấp) do các vua chúa phong kiến châu Âu chủ trì, hoặc đề cao sự tự do tinh thần (đi kèm với sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của đạo Hồi) do những người Ả rập chủ trì. Bên cạnh đó, sau một thời gian bị kềm nén, khoa học kỹ thuật của phương Tây (chân lý Cha) cũng đã phát triển như vũ bão trong thời kỳ Phục Hưng.
  • Những người Anh ở đảo quốc, trong trào lưu phát triển kinh tế hướng chân lý Con (do những người Pháp và Tây Ban Nha hậu La Mã – Thiên Chúa khởi xướng), lại tương đối tách biệt về địa lý với phần còn lại của châu Âu, đã là những người đầu tiên phát hiện ra sự vượt trội của nền sản xuất quy mô lớn, và đã nỗ lực xây dựng các mô hình công xưởng và công nghiệp, đặt nền móng cho hình thái thị trường hiện đại (trong đó, hàng hóa được sản xuất hàng loạt, và là các sản phẩm tiêu chuẩn – rập khuôn).
  • Những người Do Thái đầu tư tài chính cũng mở một hướng tiến hóa tiên phong khác cho chân lý Con, đó chính là tăng hiệu năng của nền kinh tế bằng cách tăng tốc độ lưu chuyển của các hình thái giá trị: từ "hàng đổi hàng" thành "vàng", "tiền" rồi "tiền gửi ngân hàng" (ngân phiếu), "chứng từ có giá" (thương phiếu), "chứng chỉ nợ" (trái phiếu), "chứng chỉ vốn" (cổ phiếu), "tiền điện tử" (thanh toán bằng thẻ, điện thoại di động, internet,…).
  • Trong bối cảnh chân lý Con được phát triển mạnh mẽ như trên, đồng thời khoa học tự nhiên cũng đạt được những thành tựu quan trọng, với tham vọng phát triển đại nhảy vọt, ảo tưởng tuyệt đối hóa khoa học và nhu cầu phát triển kinh tế, những người Đức phát xít đã thỏa mãn chân lý Con bằng cách đẩy chân lý Cha về phía cực đoan, nhằm xây dựng một xã hội trật tự, chặt chẽ, nghiêm khắc, máy móc, hãnh tiến và tàn ác.
  • Sự thiếu hụt của chân lý Mẹ trong quá trình phát triển kinh tế, mà Thiên Chúa giáo thời kỳ đó không thể bù đắp, đã khiến số đông những người cùng khổ ca thán những lời ai oán. Chính những người Nga có trái tim nồng hậu đã nghe thấy sự tối tăm bần hàn của đồng bào và đồng loại. Và, họ đã tập hợp lại, dưới ngọn cờ của Lê nin, vận dụng khẩu hiệu "liên hiệp loài người" (unite the human race) với động lực chính là giai cấp công nhân, một lần nữa đẩy mạnh sự tiến hóa về phía chân lý Mẹ, bằng cuộc cách mạng Bôn sê vích nổi tiếng.
  • Nếu như hòn đảo ở phía cực Tây của cựu lục địa (nước Anh) là nơi khai sinh và chủ trì chủ nghĩa Tư bản (hình thái phát triển cao nhất của chân lý Con mà con người đạt được vào lúc này), thì vùng đất phía Đông (nước Nga) là nơi chân lý Mẹ được khích lệ và nuôi dưỡng (dưới hình thái chủ nghĩa Xã hội). Nếu phía Bắc cựu lục địa là khu vực mà chân lý Cha phát triển mạnh mẽ thì ở phía Nam, con người ta vẫn còn duy trì cuộc sống huyền hoặc, thụ động, lỏng lẽo, tùy nghi, linh hoạt. Sự sống còn và phát triển của các dân tộc ở phía Nam cựu lục địa phụ thuộc nhiều vào khả năng chịu đựng và thích nghi của từng cá thể, hơn là khả năng kiến tạo và cải biến môi trường sống nhân tạo chung cho cộng đồng.
  • Vì lý do trên, người Đông Á (Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn, Việt) cũng đều có nền tảng chân lý Mẹ vững chắc như người Nga, còn mức độ tiến hóa chân lý Cha thì giảm dần theo vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam (theo thứ tự Nhật – Hàn – Hoa – Việt). Đó là lý do khiến họ duy trì chủ nghĩa Xã hội một cách tự nhiên và linh hoạt hơn. Có thể họ không nắm lấy chính quyền như người Nhật, hoặc giữ vai trò lực lượng đối lập như người Hàn, hoặc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang bản sắc riêng như người Hoa, hoặc theo sát thực tiễn để đấu tranh hoàn thiện mô hình như người Việt, nhưng nhìn chung, những người cộng sản hướng chân lý Mẹ đều là thành phần cốt lõi của dân tộc mình, những người hơn ai hết không muốn dân tộc mình bị đồng hóa hay tuyệt nòi.
  • Cũng vì lý do đã trình bày phía trên, những người Nam Á (chủ yếu là Ấn Độ) vốn không chủ trì chân lý Con, cũng chẳng vận động chân lý Mẹ, và lại càng xa rời chân lý Cha, nhưng họ lại là người nắm giữ những bí quyết của sự chuyển hóa huyền diệu giữa ba bản chất chân lý đó, để có được sự cân bằng, và hạnh phúc.
  • Châu Mỹ, tân lục địa của thế giới, có thể đã là vách ngăn địa lý tuyệt đối để chúng ta có thể quan sát một kịch bản tiến hóa khác của loài người. Tuy nhiên, những người phương Tây, trong công cuộc "khai phá" của mình, đã gần như xóa đi phần lịch sử trước thời điểm Christopher Columbus thám hiểm châu lục này.
  • Những người bản địa Bắc Mỹ hiện không còn đủ sức mạnh văn hóa để tạo dấu ấn trong các cộng đồng đa sắc tộc ở đây, nơi đã – đang – và sẽ diễn ra sự hòa trộn theo chiều sâu của văn hóa Anh – Ai Len, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Do Thái, gốc Phi, Đức, Trung Hoa, Ấn Độ,…
  • Nam Mỹ, tình thế của những người da đỏ có vẻ sáng sủa hơn nhiều. Mặc dù có vẻ chưa có đóng góp gì cho sự "phát triển vượt bậc" của nền văn minh, nhưng được sống trong tình thương bao dung của cộng đồng những người di dân La Tinh (vốn là hậu duệ của người La Mã), họ đang bắt đầu khẳng định vai trò của mình đối với nhân loại. Và chúng ta hãy chờ xem.
  • Còn lại châu Phi châu Úc, chúng ta thấy đó là hai hình ảnh trái ngược nhau của sự phát triển, tiến bộ và tiến hóa. Một bên là những con người cuồn cuộn sức sống, với những cuộc đời đầy sôi động nhưng cũng tiềm tàng nhiều bất ổn, và một bên là những con người thuần hậu sống những cuộc đời bình lặng đến mức có thể nhưng lại có vẻ gì đó hơi tẻ nhạt.

Tôi đã nói rằng chân lý có ba bản chất tách biệt, và là ba ngôi thống trị đối với loài người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong bất kỳ một sự vật hiện tượng nào đã từng tồn tại, cho dù nó có thiên vị cho Cha, Mẹ hoặc Con đến mức độ nào đi chăng nữa, lại có thể thiếu đi một trong ba bản chất. Nói cách khác, hiện thực chông chênh không thể đứng vững nếu thiếu một trong ba cột trụ chống đỡ sự tồn tại của nó. Phần đầu của con người, trung tâm điều khiển của cả cơ thể, vốn là biểu tượng của chân lý Cha, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy trên đó sự tồn tại hài hòa của cả ba chân lý: phần trán và bộ não là chân lý Cha (để chúng ta nhận biết các quy luật), đôi mắt, hai lỗ mũi và hai lỗ tai là chân lý Mẹ (giúp chúng ta nhận thấy và yêu quý thế giới xung quanh), cái miệng là chân lý Con (làm nhiệm vụ cảm nhận và duy trì sự tồn tại của chúng ta). Phần thân của con người, là biểu hiện của chân lý Mẹ, nhưng chúng ta vẫn thấy ở đó một cơ quan điều khiển trung tâm (chân lý Cha) là tủy sống trong cột sống, một cơ quan cảm nhận rung động của lòng trắc ẩn (chân lý Mẹ) là trái tim, những cơ quan đồng hóa vật chất từ bên ngoài vào bên trong cơ thể (chân lý Con) là ruột, gan, phèo, phổi. Những điều nói trên đã chứng minh một nhận thức về chân lý mà người Đông Á vốn rất tâm đắc, đó là ngoài trời có trời. Tức là, bất kỳ một chỉnh thể nào, dù nhỏ đến đâu, cũng đều chứa đựng trong đó sự huyền diệu và sâu thẳm của cả ba ngôi chân lý, và ngược lại, bất kỳ tổ hợp nào, dù lớn đến đâu, cũng chỉ là thành tố tạo nên những phức hợp cân bằng chân lý lớn hơn. Như vậy là, theo tôi, phép biện chứng, mà Hegel và Marx đã phân lập ra được từ triết học phương Đông, không chỉ nghiệm đúng khi quan sát các sự vật hiện tượng trải dài theo thời gian, mà còn chính xác ngay cả khi áp dụng nó để tổ hợp mở rộng sự vật hiện tượng theo chiều rộng của không gian.

Kết luận lại, khi đề xuất mô hình Chân Lý Ba Ngôi, tôi không có tham vọng xây dựng một giải pháp để giải quyết các vấn đề trong thời đại của chúng ta, mà chỉ đưa ra một cách tiếp cận để tất cả chúng ta có thể tự tìm hiểu thêm về Chân Lý, để có thể thông hiểu một cách tương đối và hình dung một cách khái quát về sự thống nhất mầu nhiệm của nó. Có như vậy, niềm tin của chúng ta nơi Chân Lý mới có thể được duy trì và nuôi dưỡng thêm. Đồng thời, chúng ta cũng có thể tránh không bị cuốn vào sự sụp đổ của các hệ thống niềm tin vô điều kiện đang giăng bẫy và thử thách mỗi con người chúng ta. Và do đó, với sự dẫn đường của Chân Lý, chúng ta sẽ không bị giằng xé bởi mâu thuẫn, và có thể cùng nhau kiến tạo một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc hơn.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Biểu hiện của Chân Lý Ba Ngôi trên thế giới

Sự rộn rã của chân lý Con (Jacques Offenbach - Can Can):


Sự hãnh tiến của chân lý Cha (Nazi-Germany 1939 in color):


Sự thắm thiết của chân lý Mẹ (The Holy War):


Sự linh hoạt của người Đông Á (Đoàn vệ quốc quân - Phan Huỳnh Điểu):


Sự huyền diệu của người Nam Á (Slumdog Millionaire Soundtrack - Mausum & Escape):