Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

Thần tượng Đặng Thùy Trâm

Đừng đốt: kể mà như không kể


TT - Giai điệu
Bài ca hi vọng được cất lên bởi giọng hát trong trẻo, cao vút của diễn viên Minh Hương, cùng hình ảnh con đường dài phía trước là một kết thúc đầy ấn tượng cho Ðừng đốt - bộ phim về nữ anh hùng Ðặng Thùy Trâm của đạo diễn Ðặng Nhật Minh. Nói về chiến tranh, về cái chết nhưng phim không nhuốm màu bi lụy mà sáng lên một niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai.
Khác với suy đoán của nhiều người,
Ðừng đốt không phải là một bộ phim về những khốc liệt của chiến tranh, cũng không dựng lại cuộc sống của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm nhằm thần tượng hóa một vị anh hùng. Phim là sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ để từ đó hiện lên một Thùy Trâm dưới những góc nhìn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, không gian khác nhau. Cái tài của Ðặng Nhật Minh là kể mà như không kể, không "lên gân lên cốt", không khẩu hiệu, giáo điều. Ông giống như một họa sĩ tài ba, chỉ bằng vài ba nét phác thảo đã có thể làm nên một bức tranh sống động với đầy đủ cung bậc tình cảm.
Ðừng đốt được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 29-4 nhân Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể thấy trước đề tài bộ phim khó lòng là lựa chọn của những cặp tình nhân đến rạp để giải trí. Tuy nhiên, nội dung và thông điệp của bộ phim lại phù hợp với những đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, những người tham gia công tác Ðoàn - Ðội... Vì thế, nếu nhà sản xuất tính đến chuyện bắt tay với những tổ chức, đoàn thể để chiếu phục vụ tập thể với mức giá vừa phải, bộ phim sẽ đến được với đông đảo khán giả hơn.

KIM VÂN

Ở khu vực phía Nam, bộ phim nhựa do NSND Ðặng Nhật Minh chuyển thể và làm đạo diễn từ Nhật ký Ðặng Thùy Trâm mang tên Ðừng đốt sẽ chính thức chiếu các rạp ở TP.HCM, Ðắc Lắc, Cần Thơ từ ngày 29-4, mở màn cho đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30-4, 1-5, 7-5, 19-5. Sau đó, bộ phim này sẽ lần lượt đến các địa phương khác để chiếu phục vụ đông đảo người dân. Các rạp chiếu phim này tại TP.HCM gồm Fafilm, cụm rạp Tân Sơn Nhất, cụm rạp Megastar HV, Lotte Cinema.

H.LÊ

Kính gửi quý báo Tuổi Trẻ,
Tối 29/04, tôi và vợ cùng đến rạp MegaStar để xem phim về bác sĩ Đặng Thụy Trâm. Cả phòng chiếu, ngoài vợ chồng tôi, chỉ có thêm một bác khoảng 70 tuổi. Vợ tôi đến rạp xem theo đề nghị của tôi, mà không dám đặt kỳ vọng, vì đã nhiều lần thất vọng với phim VN chiếu Tết. Tôi thì tin, dù không quá chắc chắn, rằng tình người - tính nhân bản vốn là thế mạnh của người Việt Nam, nên phim về bác sĩ Thùy không thể không hay.
Là những người thường xuyên xem phim tại rạp MegaStar để tận hưởng tối đa những hiệu ứng đầy đủ của điện ảnh, sau khi xem xong, vợ chồng tôi đều cùng thống nhất rằng đây là một phim hay, tạo được rung cảm, sự đồng cảm sâu sắc về thân phận khắc nghiệt vả niềm tin mãnh liệt của con người vào lương tri và phẩm giá. Đó hoàn toàn là một phim đáng giá và đáng xem!
Giới trẻ luôn có nhu cầu về thần tượng, những người mà họ có thể đặt niềm tin vào đó, để có thể tiếp tục sống, và sống tốt. Và bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một người như vậy, gần gũi mà cao cả thiêng liêng, một sức sống có thể khơi dậy cả một thế hệ người Việt trẻ. Đến với cô, nam thanh nữ tú có thể nhận ra được sức mạnh văn hóa đang chảy cuồn cuộn trong dòng máu của chính mình, nhờ đó mà mạnh dạn dấn thân vì sự nghiệp chung của dân tộc.
Sau khi xem phim ra, tôi làm quen với bác khác giả cùng xem với mình thì được bác nói ngay: báo Tuổi Trẻ nhăng nhít quá, phim hay thế mà lại bảo là không dành cho các cặp tình nhân. Báo Tuổi Trẻ ơi! Xin đừng cô lập thần tượng Đặng Thùy Trâm khỏi giới trẻ! Tôi xin quý báo đấy!
Trân trọng.
Mai Quang Huy

Không có nhận xét nào: