Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Ở giữa bầu trời và mặt đất, hay là bức thư đầu tiên gửi con

Con của ba,

Đây là bức thư đầu tiên mà ba gửi cho con, để giúp con làm quen với thế giới mà ba mẹ đã cùng nhau đưa con vào.

Con hãy hình dung, mọi thứ tồn tại trong thế giới này đều cheo leo, và sở dĩ chúng còn duy trì được hiện trạng chính là nhờ vào những sự chống đỡ. Ngay từ những hạt li ti, nhỏ ơi là nhỏ, cấu thành nên mọi thứ mà con có thể nhìn - sờ - cầm - nếm được, vốn được người ta gọi là hạt cơ bản, đều có một sự chống đỡ nào đó mới giữ nổi hình hài, không thì chúng nó đã sụp đổ dây chuyền tạo ra các hố đen sâu thăm thẳm.

Những con người, những cá thể có đầu - mình - hai tay - hai chân giống như con, hoặc gần giống như vậy, được gọi chung là nhân loại, cùng nhau làm tổ trên một cục đất bự, gọi là Trái đất. Trên Trái đất của chúng ta, sự cân bằng của nhiệt độ, sự vững chắc của các nền lục địa, sự vừa phải của mực nước biển, sự phong phú đủ dùng của sinh khối,... thảy đều mong manh, và hẳn cũng được giữ vững bởi các nguồn lực nào đó, mà phương Tây họ gọi là "thần Atlas".

Những người nói chung một thứ tiếng với con (con hãy gọi họ là đồng bào) sống cùng nhau trên một rẻo đất hẹp ở rìa của lục địa lớn nhất Trái đất, gọi là Tổ quốc Việt Nam. Ở Tổ quốc của chúng ta, chắc chắn cũng có một vị thần chống giữ cho những đặc trưng riêng có của chúng ta, gọi là thần Kim Quy, tức là Rùa Vàng. Ngay từ thuở lập quốc, thần đã chống giữ cho tòa thành đầu tiên của chúng ta, và vẫn tiếp tục âm thầm chống giữ cho sự nhất thể của đồng bào ta từ bấy tới nay.

Hai người gần gũi nhất với con, là ba và mẹ, cũng luôn cùng nhau chống giữ hai giới hạn trên và dưới của một không gian gọi là gia đình, để con có chỗ lớn lên, trưởng thành, cứng cáp. Trong không gian đó, con hãy nỗ lực hết sức mình để tích lũy đủ năng lực, sẵn sàng đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, vượt lên mà cống hiến hết mình cho công cuộc trấn giữ sự sống mong manh. Con hãy đấu tranh với sự cộc cằn - thô lỗ của ba, sự hẹp hòi - ích kỷ của mẹ; với sự cúi đầu tuân phục của phương Đông, sự hỗn loạn vô luân của phương Tây, sự tàn nhẫn của phương Bắc, sự yếm thế của phương Nam; với bầu trời lạnh lẽo và mặt đất nóng hổi; để xứng danh với sự sống mầu nhiệm mà con được thừa hưởng, và để góp công với các đồng bào, đồng loại và các vị thần, cùng nhau trấn giữ sự sống thiêng liêng đó.

Để kết thúc, ba xin phép ông Nguyễn Công Trứ nhái lại lời thơ của ông, để nhắn gửi cho con:
"Làm người sống giữa trời và đất
Đầu đội trời, chân kia phải đạp đất
Không thể để trời kia sập sát đất
Cũng không cho đất nọ dâng tới trời".