Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Những cuộc phiêu lưu của Ai Lớp Du - chuyến khởi hành

Nhân vật của câu chuyện nhiều kỳ này sẽ chủ yếu bao gồm bốn nhân vật, trong đó có hai nhân vật tên Du và hai nhân vật họ Hu. Nhân vật chính yếu, trung tâm, xuyên suốt, chắc chắn là Ai Lớp Du, một người bình thường thích đi du lịch, dịch ra tiếng Anh tên bạn này là "someone whose class is travel". Nhân vật tên Du thứ hai là Phúc Du, một hậu duệ của những người săn bắn, chăn nuôi, vốn không thích tạo dựng hạnh phúc, mà thích đi vòng quanh với bản năng săn mồi, để quăng thòng lọng vô đầu hạnh phúc và dắt về. Hai bạn họ Hu chắc chắn không cùng họ với Hu Jintao, vốn nổi tiếng ở Việt Nam với khái niệm "điện thoại Hồ Cẩm Đào", mà chỉ đơn giản là những người nhiều cảm xúc theo kiểu "những người hu hu ôi những người hu hu, chỉ cần mưa là buồn". Một trong hai người là Hu Ke, người còn lại chính là Hu Lớp Mi. Người đầu thì quá sợ nỗi đau, đến nỗi luôn muốn tránh xa các mối liên hệ với người khác, luôn cố gắng càng thu mình lại càng tốt. Người sau thì khát khao được kết nối với người khác, nhưng lại thụ động, chờ đợi trong vô vọng.

Do là nhân vật chính, nên người kể chuyện sẽ nói rõ hơn về sở thích du lịch của Ai Lớp Du. Người này không có nhu cầu đổi gió hay chụp hình, bởi vì như Suneo trong hoạt hình Doraemon đã từng chỉ ra, hình ảnh của một người có thể được phần mềm Ảnh Viện ghép với bất kỳ địa danh nào trên thế giới, còn đổi gió để rồi vẫn phải quay về làm những công việc đáng chán thường ngày thì người ấy không có ham. Cái người ấy cần là khám phá, tìm hiểu, để tích lũy các giá trị vào bên trong, phát triển linh hồn, nội tâm, tinh thần, ý thức, vốn di truyền,... Vì thế, khác với nhiều người, Ai Lớp Du có thể du lịch mọi lúc, mọi nơi, ăn cũng du lịch, ngủ cũng du lịch, ấy cũng du lịch. Ăn cũng du lịch có nghĩa là Lớp Du không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để nếm trải món ăn khác nhau của các vùng trong nước, cũng như của các nước. Ngoài việc khám phá các phong cách ăn uống khác nhau được người ta giới thiệu ở Sài Gòn, Lớp Du còn nhiệt tình đi dự đám cưới ở các tỉnh thành xa, vừa thể hiện tình cảm bạn bè vừa để được trải nghiệm các món ăn trong bối cảnh địa phương. Ngủ cũng du lịch có nghĩa là, ngoài việc không từ bỏ bộ phim nào gợi mở những góc nhìn mới, người ấy còn dấn thân vào các tình huống đa dạng trong giấc ngủ, vì thế mỗi giấc ngủ là một cuộc phiêu lưu hào hứng và thú vị với Lớp Du. Về việc du lịch trong khi "ấy", người kể chuyện không ám chỉ một hành động thô thiển nào (ví dụ như, một số quý ông thấy mình mờ nhạt nên phải hư cấu - gắn kết một cách hư hỏng - với gái giang hồ quốc tế), mà nó diễn tả rất nhiều hành động khác, ngoài ăn và ngủ, mà người ấy có thể vừa làm vừa du lịch (như học tập và làm việc, mà người kể chuyện sẽ kể dần trong các chuyến phiêu lưu sau). Nếu diễn tả theo một cách khác, thì Lớp Du không men theo các lớp có sẵn để du lịch, mà thường xắn ngang các lớp đó để khám phá thế giới theo những góc nhìn hoàn toàn mới. Ví như khi tham gia vào các chuyến lữ hành, Du kiên quyết không mua dịch vụ của các hãng, kiên quyết không bám vào các trang thiết bị nặng nề, mà chuẩn bị hành trang thật gọn nhẹ để quăng mình vào các cuộc phiêu lưu ít hoạch định.

Và sau đây là chuyến phiêu lưu đầu tiên.

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Ở giữa bầu trời và mặt đất, hay là bức thư đầu tiên gửi con

Con của ba,

Đây là bức thư đầu tiên mà ba gửi cho con, để giúp con làm quen với thế giới mà ba mẹ đã cùng nhau đưa con vào.

Con hãy hình dung, mọi thứ tồn tại trong thế giới này đều cheo leo, và sở dĩ chúng còn duy trì được hiện trạng chính là nhờ vào những sự chống đỡ. Ngay từ những hạt li ti, nhỏ ơi là nhỏ, cấu thành nên mọi thứ mà con có thể nhìn - sờ - cầm - nếm được, vốn được người ta gọi là hạt cơ bản, đều có một sự chống đỡ nào đó mới giữ nổi hình hài, không thì chúng nó đã sụp đổ dây chuyền tạo ra các hố đen sâu thăm thẳm.

Những con người, những cá thể có đầu - mình - hai tay - hai chân giống như con, hoặc gần giống như vậy, được gọi chung là nhân loại, cùng nhau làm tổ trên một cục đất bự, gọi là Trái đất. Trên Trái đất của chúng ta, sự cân bằng của nhiệt độ, sự vững chắc của các nền lục địa, sự vừa phải của mực nước biển, sự phong phú đủ dùng của sinh khối,... thảy đều mong manh, và hẳn cũng được giữ vững bởi các nguồn lực nào đó, mà phương Tây họ gọi là "thần Atlas".

Những người nói chung một thứ tiếng với con (con hãy gọi họ là đồng bào) sống cùng nhau trên một rẻo đất hẹp ở rìa của lục địa lớn nhất Trái đất, gọi là Tổ quốc Việt Nam. Ở Tổ quốc của chúng ta, chắc chắn cũng có một vị thần chống giữ cho những đặc trưng riêng có của chúng ta, gọi là thần Kim Quy, tức là Rùa Vàng. Ngay từ thuở lập quốc, thần đã chống giữ cho tòa thành đầu tiên của chúng ta, và vẫn tiếp tục âm thầm chống giữ cho sự nhất thể của đồng bào ta từ bấy tới nay.

Hai người gần gũi nhất với con, là ba và mẹ, cũng luôn cùng nhau chống giữ hai giới hạn trên và dưới của một không gian gọi là gia đình, để con có chỗ lớn lên, trưởng thành, cứng cáp. Trong không gian đó, con hãy nỗ lực hết sức mình để tích lũy đủ năng lực, sẵn sàng đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, vượt lên mà cống hiến hết mình cho công cuộc trấn giữ sự sống mong manh. Con hãy đấu tranh với sự cộc cằn - thô lỗ của ba, sự hẹp hòi - ích kỷ của mẹ; với sự cúi đầu tuân phục của phương Đông, sự hỗn loạn vô luân của phương Tây, sự tàn nhẫn của phương Bắc, sự yếm thế của phương Nam; với bầu trời lạnh lẽo và mặt đất nóng hổi; để xứng danh với sự sống mầu nhiệm mà con được thừa hưởng, và để góp công với các đồng bào, đồng loại và các vị thần, cùng nhau trấn giữ sự sống thiêng liêng đó.

Để kết thúc, ba xin phép ông Nguyễn Công Trứ nhái lại lời thơ của ông, để nhắn gửi cho con:
"Làm người sống giữa trời và đất
Đầu đội trời, chân kia phải đạp đất
Không thể để trời kia sập sát đất
Cũng không cho đất nọ dâng tới trời".

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Quốc gia và quốc tế.



Những con sò trên bãi biển

Sáng sớm tinh mơ trên một bãi biển vắng. Cát trắng như trải dài đến tận chân trời xa tít. Những ngọn sóng nhấp nhô xô bọt trắng xóa lên những mỏm đá. Một cậu bé đang dạo chơi buổi sáng trên bãi biển bất chợt nhận thấy những con sò nhỏ bị đợt thủy triều đêm trước đánh dạt lên bãi cát. Cậu bé nghĩ rằng chỉ vài giờ nữa thôi khi mặt trời lên, những con sò bé bỏng đáng thương đó sẽ chết dần đi trên bãi cát nóng. “Thật là bất công nếu những con sò vô tội kia phải chết”. Cậu bé nghĩ và cúi xuống nhặt từng con sò ném trở lại với biển. Những đợt sóng nhảy múa như hòa cùng niềm vui của những con sò được cứu sống.
Say sưa với công việc của mình, cậu bé không hề để ý đến một ông lão đang đứng gần đó. “Chào anh bạn trẻ. Anh đang làm gì với những con sò thế?” – Ông lão cất giọng hỏi khi cậu bé ngẩng đầu lên. “Dạ cháu đang mang lại sự công bằng cho những con sò bé bỏng đáng yêu này – cậu bé sôi nổi, ánh mắt lên niềm tự hào về công việc của mình – “chúng không đáng phải chết như thế và phải được cứu sống”. Ông lão xoa đầu cậu bé mĩm cười. Tôi đã đi dạo hằng ngày trên bãi biển này suốt 20 năm qua - giọng ông lão trầm trầm hoà trong tiếng sóng biển – mỗi buổi sáng, tôi đã nhìn thấy hàng vạn con sò nằm chờ chết trên bãi biển này. Trên thế giới này còn có hàng vạn bãi biển như thế. Liệu anh bạn có thể mang lại công bằng cho tất cả những con sò đó?”.
Cậu bé im lặng suy nghĩ, tay vẫn mân mê con sò nhỏ trong tay. Sau một thoáng do dự, cậu bé nói: “cháu biết là cho dù có làm việc này cả đời đi chăng nữa, cháu cũng không thể mang lại sự công bằng cho hàng triệu con sò trên thế gian này”. Cậu cúi nhìn con sò trong tay rồi ngẩng mặt nhìn ông lão. “Nhưng với con sò mà cháu đang cầm trong tay – mắt cậu bé ánh lên sự cương nghị – cháu biết chắc là mình có thể làm điều đó”. Và cậu ta giang tay ném con sò xuống biển. Gương mắt nhăn nheo và đen sạm của ông lão bỗng ánh lên một niềm vui khó tả khi ánh bình minh đang lấp lánh ngoài biển rộng.
Cuộc sống quanh ta là như thế ! Luôn kì diệu và nhiều bất ngờ. Có nhiều người xung quanh , gần gũi luôn đợi chờ sự quan tâm , chia sẻ của chúng ta . Có lẽ trong mỗi chúng ta cũng nên học cách cho tình yêu một lý do chính đáng của nó, biết tìm những cái tốt đẹp từ trong những điều rất bình thường.
Đôi lúc ta có những công việc tưởng chừng như ngoài sức của mình, của một người bình thường trong cuộc sống, nhưng nếu mọi người cùng cố gắng thực hiện những gì mà mình có thể làm được cho cuộc sống này thì cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn. Khi bạn đọc xong câu chuyện này, bạn hãy bắt đầu ném những con sò trong tay mình xuống biển…

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Thuyết Tiến hóa rộng (cá thể người: trường hợp của Hà – luận điểm)

Luận điểm:
Hà là một người thành đạt tiêu biểu của thời hiện đại, một thời đại mà trong đó mỗi người chúng ta coi những di sản mà thế hệ trước để lại là sẵn có để dùng. Thậm chí trong nhiều trường hợp, những di sản đó còn bị chúng ta coi là sức ỳ của quán tính, cản trở quá trình phát triển. Những con người của thời hiện đại luôn đặt bản thân, trong những điều kiện không gian và thời gian tức thời, là trung tâm của mọi vấn đề cần phải giải quyết. Các khuôn mẫu, chuẩn mực hay quy tắc không còn khả năng trói buộc, giới hạn những hành động của chúng ta, mà chúng chỉ còn là những thông tin tham khảo. Vô số các cuộc cách mạng trong thời hiện đại đã diễn ra, giải phóng con người và đem đến cho họ những biên giới rộng mở hơn của sự tự do.
Hà cũng đồng thời là một nạn nhân điển hình của thời hiện đại. Đó là một thời đại tân kỳ, rực rỡ, hào nhoáng với những phép lạ mê hồn đối với các cụ già và những người nhà quê. Nhưng đó cũng là một thời đại mà nguy cơ diệt vong luôn chực chờ không chỉ một cá thể, một dòng giống, một chủng loài, mà ngay cả nhiều quần thể sinh vật đa dạng và phong phú.
Tự do của con người không giống với tự do của con hổ ở vườn bách thú được thả về với rừng núi, hay của con cá bảy màu được trở về với sông hồ, hay của con chim sẻ được tung bay giữa bầu trời. Tự do của con người không phải là một nơi chốn cũ để trở về, mà là một thực tại hoàn toàn mới mẻ và chưa từng tồn tại trước đó. Hay nói cách khác, nhu cầu tự do của con người không phải là lầm lũi tìm về trạng thái cân bằng trước đó của hệ thống, mà là chủ động kiến tạo một trạng thái cân bằng mới cho hệ thống.
Vì những lý do trên, để có thể phân tích chính xác trường hợp cá nhân của Hà, tôi sẽ kết hợp quan điểm tiến hóa của Darwin với quan điểm tự do của các nhà triết học theo chủ nghĩa hiện sinh, mà cụ thể hơn là của Jean-Paul Sartre. Theo các nhà hiện sinh chủ nghĩa, mục đích sau cùng của cuộc sống chính là cuộc sống, một cuộc sống sôi động đang diễn ra hằng ngày, chứ không phải dĩ vãng xa xôi hay tương lai mờ mịt. Theo họ, không phải thiên đường, niết bàn hay bất kỳ trạng thái lý tưởng nào là mục tiêu đáng giá để hướng tới và hy sinh thực tại, mà trái lại, thực tại mới là cái đáng trân trọng, là món quà quý giá nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi con người (mỗi sinh vật, nếu theo quan điểm tiến hóa). Nói cách khác, không có con đường nào dẫn chúng ta đến với hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường mà ta vẫn đang đi.
Tuy nhiên, nếu nhìn chủ nghĩa hiện sinh như là sự tuyệt đối hóa cảm nhận chủ quan của con người, coi sự tự do của từng cá thể như là giải pháp cho mọi vấn đề phát sinh, thì chúng ta sẽ vướng vào sự luẩn quẩn không lối thoát, bởi vì khi chỉ dựa vào bản năng bên trong, mỗi con người rời rạc không bao giờ có thể giải quyết được những mâu thuẫn nội tại của chính mình, nên cũng sẽ bất lực với những mâu thuẫn ở mức độ cao hơn. Mỗi người chúng ta luôn cần đến sự cộng hưởng của những người khác để giải quyết vấn đề, và cũng cần đến những lời giải mới mẻ đến từ hoàn cảnh khách quan bên ngoài. Nếu chỉ trông cậy vào sự tự do, mỗi chúng ta sẽ trở thành tù nhân của mâu thuẫn, và do đó không còn cảm giác được tự do nữa, đó chính là cái bẫy ác nghiệt mà sự tự do đã giăng sẵn cho chúng ta.

Chính nhờ sự tiếp thu liên tục những sự vật hiện tượng tự nhiên, và dần tổng hợp chúng thành các quy luật ngày càng chặt chẽ hơn, cũng như những nỗ lực duy trì các mối quan hệ xã hội ngày càng khắng khít hơn, loài người đã tiến hóa hơn tất cả các loài sinh vật khác, trở nên tự do hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu của mình. Khi tự do hơn, con người cũng tương tác với tự nhiên bạo dạn hơn (gây ra những hậu quả khó lường hơn), và trở thành một thế lực (một tham số) quan trọng của tự nhiên, nên việc con người hiểu biết nắm bắt tự nhiên cũng trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Do đó, đối tượng mà con người cải tạo và làm chủ đã dần chuyển từ thiên nhiên bên ngoài sang chính bản thân con người. Đó cũng chính là một cơ chế phản hồi của sự tự do mà con người buộc phải chấp nhận: trong quá trình tìm kiếm tự do cho mình, con người không thể chối từ trách nhiệm về những hành động mà mình đã gây ra. Càng tiến hóa và tự do hơn, con người càng phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn về sự sống còn của giống loài mình. Jean-Paul Sartre đã kết luận một câu rất chí lý khi nói về sự nặng nề của tự do mà con người được hưởng: con người bị kết án phải tự do. Theo quan điểm của tôi, để bản án trở nên nhẹ nhàng hơn, con người cần chủ động tìm hiểu rõ trách nhiệm của mình trong mỗi hành động được thực hiện, nhất là các hành động được mệnh danh là sáng tạo. Đó âu cũng là sự giác ngộ, sự giải thoát, trạng thái an nhiên tự tại, hay là niết bàn tại thế mà các bậc thánh nhân đã từng muốn chúng ta đạt được.