Hoàn cảnh:
Quê ngoại của Hà ở Tiền Giang, còn quê nội thì Hà không có. Điều đó không có nghĩa ba Hà là người Sài Gòn gốc, mà đơn giản là Hà không có ba. Nguồn gen có nhiễm sắc thể giới tính Y mà Hà đang mang trong người là của một người đàn ông mà Hà ít khi được gặp và cũng không muốn gặp. Hà lớn lên bằng tình thương của má và của những người giang hồ cùng khổ ở chợ Cầu Muối. Bằng sức sống mãnh liệt của một người phụ nữ bị đàn ông bỏ rơi và bỏ quê chạy giặc lên Sài thành, má Hà đã làm đủ mọi nghề để đảm bảo sự sống sót của hai má con. Ấy vậy mà, không hiểu vì đâu, tuy bản thân là một người thất học, bà vẫn nỗ lực cho Hà theo học hết cấp 1, rồi đến cấp 2. Hà được sinh vài tháng sau ngày Sài Gòn giải phóng, nên tuổi thơ của Hà là thời kỳ bao cấp suy kiệt các nguồn lực kinh tế, hầu hết người lớn ở nội thành đều đặt niềm tin và hy vọng vào trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, nên tính ra thế hệ 7x của Hà vẫn là một thế hệ sung sướng, ít nhất là về phương diện tình thương - chân lý Mẹ.
Là một đứa bé ngoan, lại có tư chất thông minh, năm học lớp 6, Hà được học hành và phát triển trong một tập thể những đứa trẻ con nhà nghèo đồng cảnh ngộ quanh chợ Cầu Muối. Tập thể đó còn được dìu dắt bởi cô chủ nhiệm có tâm và có tầm, cô Hoa, nên những khác biệt nho nhỏ còn lại giữa Hà và các bạn đã được xóa nhòa bằng những hành động tương trợ đầy tình thương và ấm áp tình người. Trong môi trường đó, Hà đã cảm thấy rất thoải mái và đã đạt được kết quả học tập nổi trội.
Vào đầu năm lớp 7, Hà cùng với các bạn tiềm năng khác trong toàn khối 6 năm trước được đưa vào diện lớp chọn, và từ đây, mặc dù vẫn được cô Hoa chủ nhiệm, nhưng Hà bắt đầu đối diện với những thử thách thật sự, những thử thách hoàn toàn làm thay đổi cuộc đời của Hà từ đó trở về sau. Lần đầu tiên, Hà phải xét lại sự tự tin thường trực của mình, vì phát hiện ra có khá nhiều người học giỏi hơn mình. Hà còn phát hiện ra nhiều sự thua thiệt khác của mình so với các bạn cùng lớp, về hoàn cảnh gia đình cũng như về điều kiện vật chất. Do đó, trong hai năm học lớp chọn ở trường cấp hai chợ Cầu Muối, Hà luôn có xu hướng sống tách biệt với các bạn cùng lớp của mình, và đương nhiên, thời điểm đầu năm lớp bảy là lúc Hà tự ti, tự ái và cô độc nhất. Là một người nhạy cảm và quan tâm đến từng học sinh của mình, cô Hoa đã nhận thấy tất cả những điều bất thường đó của Hà, và quyết tâm hỗ trợ đứa học trò nghèo đến cùng. Trong trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm, trường hợp của Hà được cô chọn giải pháp bạn bè. Một cách khéo léo, cô đã phê phán thái độ tự cô lập của Hà trước cả lớp, và dùng trường hợp của Hà để khơi gợi sự đoàn kết tương trợ nhau giữa các học sinh trong tập thể lớp của cô. Tấm lòng và sự thông hiểu của cô đã nhanh chóng được cả lớp hưởng ứng. Từ đó trở đi, Hà có bạn mới để chơi, có quần áo mới để đến trường, không cần phải đóng các khoản tiền định kỳ mỗi tháng, không còn quá ngại ngùng khi cùng các bạn tham gia các sinh hoạt ngoại khóa của lớp hay trường. Tuy nhiên, sức ỳ của hoàn cảnh và quá khứ đã không cho phép Hà dễ dàng vượt thắng và đủ sức thay đổi số phận của mình. Ngoài buổi học, buổi còn lại, dưới trời nắng gắt, Hà vẫn phải chạy tới chạy lui trên nền chợ Cầu Muối và nền đường Nguyễn Thái Học sình lầy nhếch nhác để bán từng ca trà đá cho đủ hạng người đang mưu sinh tại đây. Dù muốn dù không, tất cả tài sản mà má con Hà có chỉ là một tấm phản vừa để ăn cơm, vừa để học bài và vừa để ngủ. Dù muốn dù không, nơi đặt tấm phản cũng chỉ là một cái hốc ẩm thấp, được che đậy tạm bợ và dột nát. Dù muốn dù không, má Hà vẫn phải vay nóng (với lãi suất cao) để buôn bán lặt vặt, kiếm sống qua ngày. Tất cả những điều đó không cho phép Hà có được cuộc sống vô tư hồn nhiên mà một đứa trẻ con bình thường đương nhiên phải có. Mỗi ngày mới đối với Hà là một cuộc đấu tranh mới, để được sống, được học, và được mơ ước đến một ngày mai tươi sáng.
Trong hoàn cảnh đó, cộng hưởng từ tình thương của cô Hoa, một số bạn học cùng lớp bắt đầu tìm hiểu hoàn cảnh của Hà, và cùng với Hà kết thành một nhóm bạn thân chí cốt. Duy là con trai thứ của một cán bộ vật tư và một cô hiệu trưởng trường cấp một, có một anh và một em trai. Ba mẹ của Nam Anh là kỹ sư tiếp quản Sài Gòn ngành nước và ngành điện, Nam Anh có một em gái. Huy có ba là cựu học sinh Petrus Ký và má là cựu học sinh Gia Long, có hai em trai. Vốn được ba má và các thầy cô ở trường cấp một Kết Đoàn dạy dỗ kỹ lưỡng về tình thương, Huy là người đầu tiên tiếp cận với Hà trong nỗ lực chứng minh thái độ tự cô lập của anh này là sai. Nam Anh là một đứa trẻ hiếu động, ham khám phá, dám nghĩ dám làm nên chơi với Hà và Huy, thấy có gì đó hay hay. Duy là một đứa trẻ có tình bằng hữu hào hiệp, biết chọn bạn và quý bạn, nên hiểu được nhóm bạn này là một nhóm đáng tham gia.
Phân tích ra thì thấy được như thế, chứ thực ra, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, bốn đứa con nít này tự tìm đến với nhau một cách rất tự nhiên, như là cơ duyên đã sắp sẵn tự bao giờ. Huy về kể với ba má về trường hợp khó khăn của Hà và lập tức được ba má đồng cảm ngay. Vốn cũng là những học sinh con nhà nghèo vươn lên học trường công trong chế độ trước, ba má bảo Huy tìm hiểu xem nhà Hà ở đâu, để má Huy tới thăm. Vậy là Huy hăm hở vô lớp hỏi Hà địa chỉ nhà, thì được trả lời là “nhà tao khó tìm lắm, mày tìm không ra đâu”. Huy đề nghị đi học về chung để biết nhà thì nhận được “nhà tao không có cái gì để chơi, mày tới để làm gì?”. Bí thế, Huy phải áp dụng cách của các điệp viên “Hồ sơ thần chết”, “Họng súng vô hình” hay là “Ván bài lật ngửa” để theo đuôi Hà tới nhà. Chỉ tới gần khu của Hà, Huy đã thấy sợ hãi vì sự lộn xộn của khung cảnh và sự dữ dằn trên khuôn mặt của người Cầu Muối. Khi Hà ngoặt vào ngõ hẹp để vào nhà thì Huy không dám vào theo vì sợ bị trấn lột cặp sách. Lúng túng không biết làm gì một lúc thì thấy Hà quay ra, với một thùng kem đeo trước ngực. Sau lần đó, Huy dẫn má đến thăm má Hà để tặng quà và đặt cơ sở đầu tiên cho tình bạn giữa hai đứa. Sau đó, một cách khéo léo và kiên trì, Huy đã dần dần được Hà kể cho biết thế nào là bán kem, bán trà đá, bán gạo, bán cơm, lột tỏi thuê và vay nóng lãi suất cao. Và những chuyện mà Hà những tưởng là đau buồn, đáng xấu hổ (hay ít nhất là tẻ nhạt, vô vị) đó đã thu hút sự chú ý của không chỉ Huy, mà còn của Nam Anh nữa. Vậy là Nam Anh rủ cả Hà và Huy về nhà chơi, cùng nhau cắm hai cực của ắc quy (bình điện) vào nước muối để xem phản ứng điện phân giải phóng Hi đrô và Ô xy. Rồi Nam Anh lại rủ đi mua bộ đồ thí nghiệm ở đường Trần Bình Trọng, mua hóa chất ở chợ Kim Biên về pha chế thử. Rồi Nam Anh lại rủ đi bơi ở Câu lạc bộ Lao động, đi đánh bóng bàn ở Câu lạc bộ Nguyễn Du. Duy đã tham gia một trong các cuộc phiêu lưu do Nam Anh khởi xướng và trở nên gắn bó với các bạn. Về phần mình, với điều kiện gia đình tương đối khá giả, lại là người đam mê khoa học viễn tưởng và đồ chơi công nghệ, Duy thường mang cho các bạn xem những món đồ điện tử nhỏ nhắn và thú vị (như ra đi ô nghe đài FM và AM kích thước bằng 3 ngón tay, ti vi chạy pin kích thước bằng bàn tay, máy nghe nhạc Sony Walkman,…). Duy lại còn rủ bạn về nhà để xem những bộ phim khoa học viễn tưởng kinh điển và giá trị như “Back To The Future”, “Jurassic Park”, “Star Trek”. Đến đầu năm lớp 9, trường cấp hai nằm ngay chợ Cầu Muối đó nhận được quyết định sẽ trở thành trường hệ B, một trường cấp một ở gần đó (có cơ sở vật chất tốt hơn) sẽ trở thành trường cấp hai hệ A, nhiều thầy cô giáo giỏi của trường cũ cũng sẽ được chuyển sang trường mới. Là những học trò giỏi, Nam Anh và Huy nhận được thông tin đó, nên đã nhanh chóng báo cho Hà và Duy ngay trong những ngày cuối hè trước khi bước vào năm học mới, để làm thủ tục chuyển trường kịp thời.
Sự việc chuyển trường đột ngột đã làm gắn bó thêm bốn đứa trẻ và định hình rõ hơn nhóm bạn. Đầu năm lớp chín, áp lực thi cuối cấp và chuyển cấp đã buộc các bạn Duy, Huy và Nam Anh phải đi học luyện thêm môn Toán với thầy hiệu phó trường. Riêng Hà thì không có tiền để chi phí cho khoản đầu tư đó. Sự thua kém và sự tự ái đã một lần nữa tách biệt Hà với các bạn mới, và thậm chí gây nên ác cảm với các thầy cô, nhất là thầy hiệu phó. Vậy là xảy ra tình trạng “thằng Hà thật là kiêu hãnh và khó ưa” và “thầy Hảo trù dập học sinh không học thêm”. Nhóm bạn phải nhờ đến sự can thiệp của cô Hoa, mặc dù cô không còn trực tiếp dạy nữa. Cô Hoa đã gặp thầy Hảo để kể hoàn cảnh của Hà cho thầy nghe, và thầy đã quyết định cho Hà học thêm miễn phí, để có thể theo kịp với lớp. Kỳ hè năm đó, Huy đề xuất, Nam Anh triển khai, Duy tài trợ, nhóm bốn người bạn lại bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới, khám phá thế giới của máy tính và phần mềm. Bốn đứa đăng ký lớp Tin học Thiếu niên ở Nhà thiếu nhi Thành phố do công ty Scitec tổ chức và thuê máy thực hành thêm để làm quen với hệ điều hành MS-DOS, ngôn ngữ lập trình Pascal và các trò chơi trên máy tính. Huy và Nam Anh lại được chọn sinh hoạt trong nhóm năng khiếu và được tập tành viết các trò chơi nho nhỏ. Cũng cuối năm đó, Nam Anh thi đậu vào trường chuyên Lê Hồng Phong, Huy được chuyển thẳng vào PTTH Bùi Thị Xuân rồi thi đậu vào lớp chuyên khối A, Duy và Hà học ở PTTH Ernst Thälmann. Từ đây nhóm bốn người bạn không còn học chung, nhưng vẫn chia sẻ với nhau về cuộc sống và quan điểm.
Đối với Hà, ba năm cấp ba là thời gian tương đối dễ chịu. Trường Ten lơ man (Thälmann) gần nhà là một môi trường không quá ganh đua và áp lực, nên Hà cũng đỡ cảm thấy mặc cảm hơn. Thời gian này, chính quyền phường Cầu Ông Lãnh cũng ra sức truy quét tội phạm, nên phần lãi vay nóng của má Hà cũng đỡ nặng nề hơn. Những người giang hồ ở chợ Cầu Muối thấy Hà thân cô thế cô mà vẫn theo đuổi việc học và học giỏi, nên cũng ủng hộ tinh thần và bảo vệ Hà khỏi những cạm bẫy xì ke ma túy đang rộ lên khắp các địa bàn của dân nghèo thành thị. Thời gian này, trái lại, là thời gian khó khăn hơn cho ba người bạn còn lại. Ba Duy bị truy tố và kết án tù vì tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, mẹ Duy phải gánh vác cả gia đình. Ba Nam Anh đi công tác ở nước Ý về một dự án của nước này hỗ trợ xây dựng thêm một nhà máy nước cho thành phố Hồ Chí Minh, nên bắt đầu mất lòng tin vào chế độ mà ông đang phục vụ và cũng bắt đầu xa rời vợ con. Thời kỳ Đổi Mới, với nhiều cơ hội mở ra khiến nhiều người khá lên nhanh chóng, cũng ảnh hưởng đến gia đình Huy, khiến sự chăm sóc gia đình của ba Huy không còn được má Huy đánh giá cao, và sự thụ động, kém bươn chải của ông trở thành một khuyết điểm lớn khó chấp nhận. Duy tìm niềm vui cuộc sống tập thể ở đội múa rối Nụ Cười, và bắt đầu tham gia vào thế giới của những người làm nghệ thuật trong thời buổi giao thời. Nam Anh thì việc học ở lớp chuyên Lý trường Lê Hồng Phong không đủ lấp kín thời gian, nên anh này hay dẫn đầu đám trẻ trong xóm tham gia miễn phí các hoạt động thể thao hay nghệ thuật được tổ chức trong thành phố, những thủ thuật như đi lậu qua ngã nhà vệ sinh hay kéo bung cửa nhà thi đấu được anh sử dụng không chút ngại ngùng để mở ra một thế giới mới cho đám trẻ con không có tiền mua vé. Lớp chuyên khối A là một môi trường mà Huy phải bơi theo (để không bị loại ra sau mỗi năm học), nhưng anh này cũng còn đủ thời gian để dành một phần đam mê của mình tiếp nhận và suy tư về các vấn đề xã hội. Vì hoàn cảnh ngày càng khác biệt và khắc nghiệt như thế, nên nhóm bốn người bạn cũng ít khi gặp nhau, ngay cả với Hà và Duy là những người tiếp tục học chung trường, và thậm chí có năm chung lớp. Tuy nhiên, mỗi năm hai lần, vào dịp Tết và 20/11, họ lại cùng nhau đến nhà cô Hoa để thăm viếng cô, và cùng cô trao đổi về đủ thứ đề tài (từ tâm tư, tình cảm, hoài bão đến trường lớp, xã hội, đất nước). Riêng có Huy là cố gắng giữ liên lạc với Hà nhiều hơn cả, Huy thường đến nhà Hà để thăm hỏi má Hà, động viên và cảnh báo Hà về tính khốc liệt của kỳ thi đại học sắp đến. Tuy nhiên, những nỗ lực đó lại không được Hà hiểu đúng mức, vì Hà cho rằng đâu đó trong hành động của Huy vẫn có động cơ khoe khoang và độc ác khi cố khơi gợi về sự thua thiệt của Hà, và làm cho Hà phải tiếp tục lo lắng.
Hà đâu có biết rằng Huy cũng rất lo lắng về mục tiêu đó, và đang muốn tìm một người bạn để cùng chia sẻ động viên nhau. Sau đó, Huy đã phải đi luyện thi môn Toán với thầy Quân từ năm lớp 11, để nhờ người thầy nghiêm khắc này thúc ép, động viên thêm, và vượt qua được các trở ngại tâm lý. Huy cũng giới thiệu lớp luyện thi đó cho Nam Anh theo học, còn Hà thì mãi cuối năm 12 mới theo luyện ở trung tâm Vĩnh Viễn. Riêng Duy thì do vào đời, làm ra đồng tiền khá sớm, nên không đặt nặng mục tiêu vào đại học. Kết quả của kỳ thi tuyển sinh năm 1994 là: Nam Anh vào khoa Máy tính của ĐH Bách Khoa, Huy vào ĐH Kinh tế, Hà vào ĐH Tài chính Kế toán, còn Duy thì đi làm.
Kết quả thi đại học đã làm Hà tin rằng chỉ có Nam Anh là còn ở đẳng cấp cao hơn, Hà đã đuổi kịp Huy, còn Duy thì đã bị qua mặt. Khát vọng thoát nghèo đã làm cho Hà rất hài lòng với kết quả đó, và nung nấu quyết tâm phấn đấu vươn cao hơn nữa. Vì thế, khi vào đại học, Hà đã chủ động mở rộng tối đa quan hệ quen biết, và còn kết thân với một anh bạn học là con của một quan chức cao cấp đương quyền của thành phố. Chính anh bạn học này là người đã hướng dẫn cho Hà sử dụng bộ công cụ văn phòng Microsoft Office, đã cùng đi học trung tâm để nâng cao trình độ tiếng Anh, và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để lao vào đời làm việc, kiếm tiền. Đến khi tốt nghiệp đại học, vì còn bỡ ngỡ nên Hà đã đi tìm việc theo chuyên ngành “Tài chính doanh nghiệp” mà mình đã theo học. Thế nhưng, nơi mà Hà thích thì họ không nhận, còn nơi nào nhận thì Hà lại sợ người ta gài sinh viên mới ra trường làm chốt thí. Một thời gian sau, đến khi bắt đầu hơi nản lòng, thì có người quen giới thiệu Hà đi làm hướng dẫn viên du lịch cho công ty Fiditour. Vậy là Hà đành “ngậm ngùi nhắm mắt đưa chân” bắt đầu công việc trái ngành. Nhưng không vì thế mà Hà không chuẩn bị chu đáo cho công việc đó, mà trái lại, với tiền lương có được từ các việc làm bán thời gian không chính thức trước đó, Hà đã học thêm về nghiệp vụ du lịch, cơ sở văn hóa và cả tiếng Nhật nữa.
Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, khi vào làm, Hà đã được công ty phân cho đi các tuyến outbound, tức chuyên dẫn khách Việt đi du lịch các nước khác. Hà vẫn không chịu dừng ở đó, vẫn muốn tìm cơ hội kiếm tiền thật nhanh và thật nhiều, nên cố gắng kiêm luôn cả công việc bán tua (tour, dịch vụ lữ hành), tìm kiếm khách hàng cần đi du lịch về cho công ty. Với yêu cầu tìm được thật nhiều khách, lần thứ hai (sau lần đầu ở trường đại học), Hà cố gắng vượt qua các hạn chế tâm lý, để tìm nhiều cách tiếp xúc, tạo quan hệ với thật nhiều người có nhu cầu và đủ tiền chi trả cho dịch vụ du lịch. Hà tập đi quán ba (bar, quán rượu), đi đánh banh (tennis, quần vợt), tổ chức họp mặt bạn cũ từ cấp hai cho tới đại học,… Để tạo bề ngoài cần thiết đi bán hàng, Hà cũng nghe theo các đàn anh dành dụm nhanh chóng một khoản tiền để mua một chiếc xe Trung Quốc mới. Vì có thân hình khá gầy ốm, Hà cũng tập uống sữa rồi uống bia để mau lên cân. Với sự cố gắng không mệt mỏi, Hà nhanh chóng kiếm được kha khá tiền cho bản thân, cũng như đóng góp nhiều lợi ích cho công ty. Vị trí trưởng nhóm mà Hà có được có thể làm ngạc nhiên nhiều người, ngay cả với các đồng nghiệp trong công ty, nhưng không thể gây bất ngờ cho nhóm bạn cấp hai, nhất là cô Hoa và Huy. Ở vị trí mới, với thu nhập cao hơn, Hà nghĩ đến việc tận dụng tối đa lợi thế được ra nước ngoài thường xuyên, bằng việc buôn bán cò con, mua hàng miễn thuế mà các nước đều ưu đãi cho khách du lịch, rồi xách tay về nước như là các mặt hàng phi mậu dịch, và bán lại để hưởng chênh lệch. Với cách làm đó, Hà đã bán xe Trung Quốc đổi được xe Nhật cho mình, mua ti vi cho má coi cải lương, lợp lại mái bằng tôn lạnh, và lót lại nền nhà bằng gạch men. Rồi cơ hội mới lại đến với Hà, công ty có chủ trương cổ phần hóa với mục tiêu “năm sau lên sàn”. Vị trí trưởng nhóm không những cho Hà cơ hội được mua trả góp cổ phần ưu đãi cấm chuyển nhượng, mà còn có tiêu chuẩn mua được kha khá cổ phần phổ thông dễ dàng chuyển nhượng. Vì biết được quy luật thông thường giá cổ phần chào bán nội bộ thấp hơn rất nhiều so với giá lên sàn lần đầu, để tận dụng triệt để cơ hội này, Hà quyết định nắm giữ số cổ phần phổ thông và tìm người thiếu thông tin để thuyết phục họ mua số cổ phần ưu đãi của mình, để có thêm một số tiền mua thêm cổ phần phổ thông. Vì phạm vi các mối quan hệ của Hà cũng còn hạn chế, người thiếu thông tin hơn Hà không nhiều, nên rốt cuộc Hà mời Nam Anh, Duy và Huy mua số cổ phần ưu đãi đó. Nam Anh và Duy không tham gia, không phải vì không thích kinh doanh, hay không muốn làm giàu, mà là vì “cái này mới quá, tao chưa nắm” hay “tao đang kẹt tiền bên nhà đất”. Chỉ có Huy là người theo dõi cổ phần hóa từ hồi làm đề tài tốt nghiệp, nên có quan tâm, nhưng khi biết được rủi ro đằng lưỡi mà người mua phải nắm (không được đứng tên chủ sở hữu), thì chẳng những không có giao dịch nào được thực hiện, mà tình bạn giữa Hà và Huy cũng bị sứt mẻ ít nhiều. Huy chẳng những buồn vì Hà chơi không đẹp, mà còn cảm thấy bị tổn thương khi đến phút cuối (sau khi Huy đã làm rõ các điểm mấu chốt) Hà vẫn lấp lửng theo kiểu “tùy mày thôi, vẫn có nhiều người khác sẵn sàng bỏ tiền ra mua, vì không có rủi ro nào hết”.
Thời điểm Hà chuẩn bị trở thành nhà đầu tư chứng khoán, Nam Anh đã thôi việc ở công ty phần mềm Silk Road, công ty vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và cùng với một số bạn “máy tính 94” xúc tiến thành lập nhóm phần mềm Flip Flop để có thể theo đuổi sự nghiệp phần mềm chuyên nghiệp. Duy trong thời gian đó đã hơi chán cuộc đời nghệ sĩ ngắn ngủi với những cuộc tình chóng vánh, đã phần nào định hình con đường chí thú làm ăn bằng cách làm việc trong lĩnh vực nhà hàng. Còn Huy thì lúc đó bị bệnh nặng sau khi tốt nghiệp đại học, rồi lướt qua một số công việc như Thu ngân, Cán bộ tín dụng. Đến khi Hà bắt đầu xoay được vòng vốn và mở rộng đầu tư sang các loại cổ phần khác (ngoài công ty cổ phần Fiditour, và ngoài cả ngành du lịch) thì Nam Anh đã kết thúc giấc mơ Flip Flop, lên đường đi Mỹ xuất khẩu lao động bằng chuyên ngành phần mềm cho điện thoại di động, Duy đã đạt được vị trí quản lý của câu lạc bộ karaoke Dân Ca, còn Huy thì chuyển sang làm cho công ty thương mại điện tử VietnamThink, đồng thời học bổ sung công nghệ lập trình Ấn Độ với Aptech.
Cho đến thời điểm hiện tại (tháng 05 năm 2009), tuy Fiditour vẫn chưa có trong danh sách niêm yết của Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM, nhưng với kết quả kinh doanh cực tốt cả về tỷ lệ tăng trưởng lẫn tỷ suất lợi nhuận, cổ phiếu của Fiditour vẫn đã và đang là mặt hàng được các nhà đầu tư săn lùng ráo riết trên thị trường OTC. Do đó, trước khi tình trạng chiến tranh do tổng thống Hoa Kỳ Bush chủ trì (tại I rắc, Cộng hòa Hồi giáo I ran, và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên) nhồi giá dầu và giá vàng lên cao đồng thời đạp giá chứng khoán xuống thấp, trước khi các SIV gây ra cuộc "khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp" kéo theo cuộc "khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ năm 2007" và "khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008", Hà đã chính thức cảnh báo Huy là “Trong câu chuyện của tao không còn có con số trăm triệu, bây giờ là lúc tao nói về hàng tỷ. Mày phải cố gắng lên, không thì sẽ bị bỏ lại đằng sau đó”. Khi khủng hoảng diễn ra, chứng khoán Việt Nam mất khoảng 70% giá trị so với trước đó, và Hà cũng không phải là ngoại lệ, sau khi đã đổi được xe Nouvo, Hà đành phải gác lại các kế hoạch chi tiêu tiếp theo như xây nhà, cưới vợ. Suốt khoảng thời gian dài Hà gắn cuộc sống và công việc của mình với chứng khoán; Nam Anh vẫn kiên trì với công việc viết phần mềm cho điện thoại di động tại Mỹ, chỉ có thay đổi là chuyển từ hãng Samsung sang hãng LG; sau một thời gian đủ dài gắn bó với Dân Ca, Duy đã thôi việc để thành lập công ty bán hóa mỹ phẩm nhập khẩu, rồi chuyển sang kinh doanh phòng nét; Huy đã gắn bó với đam mê phân tích bộ máy quản lý kinh tế để tin học hóa thành các hệ thống phần mềm quản lý cho các doanh nghiệp, đã trải qua thêm các công ty DigiNet và VCCI, rồi thành chuyên viên tự do, và cùng với vợ rèn luyện khả năng kinh doanh bằng mô hình cửa hàng bán nước trái cây. Trong thời gian này, Nam Anh, Huy rồi Duy đã lần lượt lấy vợ, Nam Anh và Duy cũng nhanh chóng có con sau đám cưới. Huy thì chưa có con, nhưng so với Hà thì cũng còn sớm hơn một bước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét